Mát mắt vườn rau thủy canh giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ

Trước lo lắng thị trường nông sản “vàng thau lẫn lộn”, nhiều hộ dân tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đang tự tạo cho gia đình vườn rau an toàn. Do diện tích đất đô thị eo hẹp, họ lựa chọn trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa bằng đất hoặc giá thể.

Đặc biệt, phương pháp trồng rau thủy canh cũng đang được áp dụng.

10-36-17_1
Vườn rau thủy canh của gia đình chị Đặng Thùy Linh

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất, mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng hoặc các giá thể. Đặc biệt ở quy mô nhỏ, các hộ gia đình có thể tận dụng khoảng không gian trống trong nhà như ban công, sân thượng, sân vườn… để trồng.

Các sản phẩm rau, củ, quả… phát triển sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vì không bị ảnh hưởng của những nguồn ô nhiễm từ đất. Đây là kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn cung cấp cho các bữa ăn gia đình.

Phương pháp thủy canh xuất hiện ở Điện Biên đã vài năm trước nhưng hầu hết là do các doanh nghiệp, siêu thị xây dựng lên với quy mô lớn để phục vụ kinh doanh, cung cấp rau sạch ra thị trường. Còn đối với các quy mô hộ gia đình sử dụng hoặc kinh doanh nhỏ lẻ mới chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây. Trong suy nghĩ của nhiều người, muốn trồng được vườn rau thì phải có diện tích đất, không gian rộng rãi. Nhưng hình thức trồng rau thủy canh đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ cố hữu bấy lâu.

Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Đặng Thùy Linh, tổ 2, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ được đặt trên sân thượng của ngôi nhà 3 tầng. Không cần diện tích quá lớn, chỉ khoảng khoảng 80m2 nhưng gia đình chị dựng được 5 giàn rau với gần 3.000 gốc, 2 giàn cây ăn quả xanh mát mắt. Những hàng rau cải xoăn kale, cải cầu vồng, cải bina… phát triển không kém gì được trồng trực tiếp bằng đất.

10-36-17_2
Phương pháp trồng rau thủy canh đang được nhiều hộ dân tại Điện Biên áp dụng

Vừa thoăn thoắt thu hoạch rau, chị Linh vừa chia sẻ: Từ nhu cầu của gia đình về thực phẩm sạch nhưng thiếu đất nên chị dành thời gian tìm hiểu về các hình thức trồng rau không cần đất, tận dụng được các không gian trống của ngôi nhà.

Sau khi tham khảo mô hình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… chị quyết định lựa chọn hình thức thủy canh hồi lưu. Đây là hình thức thủy canh bằng cách dùng hệ thống thùng chứa dung dịch dinh dưỡng và bơm tuần hoàn lên những ống trồng rau thủy canh; cây sinh trưởng và phát triển nhờ vào dung dịch thủy canh.

So với việc trồng rau bằng đất trong thùng xốp hoặc khay nhựa, hình thức này không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên phù hợp với người bận rộn như chị. Khâu quan trọng nhất là ươm hạt giống, khi đã lên giàn rồi thì chỉ cần theo dõi, cung cấp dinh dưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Hơn nữa, hình thức này sạch sẽ cả về quá trình trồng lẫn sản phẩm thu về bởi không có nỗi lo về sâu bệnh nên thuốc bảo vệ thực vật là không cần thiết.

Ngoài ra, vì trồng không cần đất nên có thể chia không gian thành nhiều tầng để mở rộng diện tích sản xuất. Hệ thống thủy canh cũng khá linh hoạt, có thể lắp đặt với nhiều địa hình, phù hợp với nhiều loại không gian khác nhau của mỗi gia đình.

Ngoài mang tới cho gia đình mình những bữa ăn an toàn, chị còn cung cấp sản phẩm thủy canh ra thị trường, phục vụ nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ đang trong quá trình nuôi con nhỏ, cần sản phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng.

10-36-17_3
Sản phẩm rau thủy canh đảm bảo ATTP

Cũng theo chia sẻ của chị Linh, để gây dựng hệ thống trồng rau thủy canh hoàn chỉnh, vận hành tốt thì chi phí cần bỏ ra cũng không quá lớn. Tất nhiên nếu so với việc trồng bằng thùng xốp thì chi phí ban đầu bỏ ra sẽ cao hơn. Nhưng nếu thực sự quan tâm tới vấn đề an toàn sức khỏe chứ không phải trồng cho vui thì đây là một mức đầu tư hợp lý. Ví dụ như hệ thống của nhà chị bao gồm 5 giàn với gần 3.000 gốc, 2 giàn cây ăn quả, nhà màng theo tiêu chuẩn chắn được mưa, côn trùng nhưng vẫn đảm bảo hấp thụ 100% ánh nắng... được đầu tư hết gần 100 triệu đồng.

Với quy mô hộ gia đình nhỏ thì chỉ cần khoảng 1 giàn 200 gốc rau, chi phí thiết bị chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng là đáp ứng đủ lượng rau xanh cho gia đình sử dụng. Thậm chí, với sự linh hoạt của hệ thống, chi phí còn có thể thấp hơn, tùy vào nhu cầu sử dụng của gia đình.

Tính đến thời điểm hiện tại, chị Linh đã tư vấn, lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh cho hơn 10 gia đình ở TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Ngoài ra, gia đình chị đang mở rộng mô hình thêm để trồng các loại cây thu quả, như dưa chuột bao tử, cà chua, dưa lưới… bằng hình thức thủy canh.

DIỆP CHI
Nguồn tin: https://nongnghiep.vn/