"Mở cửa" thị trường EU cho rau củ, quả tươi Việt Nam
- Thứ hai - 09/10/2017 10:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
EU được xác định là một trong những thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu rau củ, quả tươi của Việt Nam, tuy nhiên hiện nay việc không đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu và đối mặt với các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn của EU.
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Đây là vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm tại hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường rau của, quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU", do Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/10.
Thị trường khó tính về an toàn thực phẩm
Sản xuất rau củ, quả tươi phục vụ nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Mặc dù vậy, việc mở cửa thị trường đối với một loại rau củ, quả tươi không phải là dễ dàng và mất rất nhiều thời gian.
Trên thực tế, trong những năm qua có những thị trường mà nông sản Việt Nam phải mất 10 năm từ khi gửi đề xuất đến khi xuất khẩu được lô hàng đầu tiên do phải trải qua quy trình kiểm tra và chờ đánh giá về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kiểm tra, kiểm dịch thực vật.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, năm 2013, EU phát hiện các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam có một số vấn đề về kiểm tra, kiểm dịch thực vật, nên đã ngưng nhập khẩu.
Mặc dù sau đó, các Bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực cải thiện và các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam đã mở lại được thị trường EU, nhưng chưa được như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam tăng ngoạn mục, đồng thời ước xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 2,6 tỷ USD (tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước), còn kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD (tăng 78,2%).
Thị trường châu Á là khu vực dẫn đầu xuất khẩu rau củ, quả tươi của Việt Nam, tiếp theo là khu vực EU và thị trường các khu vực khác.
Trong đó, các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU từ đầu năm 2017 đến nay gồm rau, quả, hoa và những sản phẩm khác đạt 680.000 tấn.
Mặc dù, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu rau củ, quả tươi Việt Nam đang có tín hiệu tốt ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng song song với đó là nguy cơ doanh nghiệp có nguy cơ vướng phải các rào cản phòng vệ thương mại, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đối với thị trường EU thì nhóm rau gia vị có nguy cơ cao về kiểm tra, khiểm soát thực vật, nên cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường cải tiến thêm quy trình nhà lưới và quy định canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn.
Riêng nhóm rau củ, quả tươi, chỉ đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà xuất khẩu và người sản xuất đảm bảo bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của EU.
Trong đó, nên triển khai hệ thống truy xuất nguyên nguồn gốc nguyên liệu xuất khẩu, vùng sản xuất phải đạt tiêu chuẩn chuẩn VietGap.
Còn nhóm sản phẩm rau của, quả chế biến nên phát huy thế mạnh chế biến các sản phẩm chủ lực, tăng những mặt hàng đảm bảo nguồn cung và chủng loại phong phú.
Cần nắm bắt yêu cầu người mua
Chia sẻ về yêu cầu của người mua rau củ, quả tươi tại EU, ông Ruggero Malossi, chuyên gia quốc tế thuộc Dự án EU-Mutrap bày tỏ, thị trường EU luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm.
Đó là lý do tại sao việc sản xuất và kinh doanh nông phẩm tươi phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp cũng như những yêu cầu khác của người mua.
Trong số các yêu cầu chính, nhà xuất khẩu sẽ phải áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm.
Đồng thời, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể theo dõi sản phẩm trong trường hợp phát sinh về an toàn và khắc phục chúng.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) để đảm bảo chất lượng và an toàn trong ngành cá.
Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các đơn vị chế biến, đóng gói sản phẩm phải biết và tuân thủ các tiêu chuẩn này thì mới đảm bảo có thể cạnh tranh trong các thị trường mới, bao gồm cả EU.
Tương tự, nên cần xem xét áp dụng HACCP cho rau củ, quả tươi, cho các hoạt động sau thu hoạch và chế biến rau củ, quả tươi. Việc áp dụng HACCP kết hợp với GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) có thể kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm và giúp thu hồi lại chi phí dễ dàng.
"Mở cửa" thị trường EU cho rau củ, quả tươi Việt Nam. Ảnh minh họa: Vũ Sinh-TTXVN
Để hỗ trợ mở cửa thị trường xuất khẩu rau củ, quả tươi Việt Nam nói chung, thị trường EU nói riêng, ông Đàm Quốc Trụ, chuyên gia trong nước thuộc Dự án EU-Mutrap cho rằng, các Bộ, ngành cần sớm xây dựng chiến lược phù hợp cho từng thị trường, đồng thời có dịch vụ vận chuyển thuận lợi cho các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài...
Song song đó, cần có giải pháp xã hội hóa hoặc liên kết doanh nghiệp đầu ngành để thu hút nguồn lực đầu tư kiểm tra, kiểm sóa kiểm dịch thực vật, theo các tiêu chuẩn đã đàm phán thống nhất với các nước.
Về phía doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu là điều kiện tiên quyết để phát triển hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản bền vững, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do.
Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số, có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu là xu thế mới cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm rau củ, quả tươi, một số chuyên gia nhấn mạnh, rất khó để ổn định chất lượng sản phẩm, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mạnh mô hình doanh nghiệp và nông dân liên kết theo những xu hướng mang lại hiệu quả cao.
Nhưng trên thực tế cho thấy, qua các mô hình liên kết, nhiều hộ nông dân đã và đang từng bước chú trọng và tuân thủ quy trình trồng rau củ, quả tươi an toàn, góp phần đảm bảo nguồn cung và giá sản phẩm.
Mỹ Phương/TTXVN