Mô hình Seamaul Undong góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lào Cai
- Thứ sáu - 27/04/2018 04:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những con đường kết nối tình hữu nghị
Nhờ được hưởng lợi từ Tiểu hợp phần đường giao thông nông thôn của Chương trình Hạnh phúc, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã về đích trong xây dựng nông thôn mới sớm hơn dự kiến (từ năm 2016). Người dân xã Lùng Vai vẫn gọi những con đường bêtông phẳng phiu được xây bằng nguồn vốn của KOICA là "Con đường hữu nghị Việt-Hàn."
Quá trình xây dựng 35 tuyến đường hữu nghị này của huyện Mường Khương tại 9 xã được Văn phòng tư vấn quản lý chương trình, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ thông qua việc lấy mẫu định kỳ, đột xuất các lô sản phẩm, kết quả thí nghiệm đều đạt tiêu chuẩn đặt ra. Chính quyền xã lựa chọn dựa trên nguyên tắc tuyến dễ làm trước, ưu tiên cho các tuyến có sự đồng thuận và hiệu quả, xem xét chiều dài tuyến, hướng tuyến vào nơi có khu sản xuất tập trung nhiều nhất của thôn bản và nhu cầu cần thiết nhất cho nhân dân.
Ông Kim Sun Ho, Giám đốc Văn phòng Tư vấn quản lý Chương trình Hạnh phúc tỉnh Lào Cai cho biết: "Những kết quả mà chương trình đạt được thực sự tuyệt vời hơn những gì chúng tôi mong đợi khi bắt đầu triển khai. Đặc biệt, huyện Si Ma Cai gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thêm địa hình phức tạp, bị chia cắt và độ dốc lớn, nhưng đến nay đã hoàn thành mục tiêu với tổng chiều dài đường bêtông ximăng lớn nhất trong 4 huyện thụ hưởng chương trình."
Với tổng nguồn vốn hỗ trợ đạt trên 344,6 tỷ đồng (trong đó vốn KOICA là 98 tỷ đồng (chiếm 30% tổng mức đầu tư); vốn đối ứng tỉnh Lào Cai là 168,8 tỷ đồng (chiếm 50%); 77,8 tỷ đồng là từ nguồn vốn nhân dân đóng góp (chiếm 20%), Chương trình Hạnh phúc đã hoàn thành việc xây dựng 159 tuyến đường với tổng chiều dài 366,145km, tại 28 xã thuộc 4 huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Lào Cai, các công trình thuộc Chương trình Hạnh phúc đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân; đồng thời, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và còn trở thành biểu tượng “những con đường” kết nối cho mối quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc.
Mô hình Làng mới Seamaul Undong phát huy tinh thần tự lực của người dân
"Môi trường sống và môi trường sản xuất các thôn đều bị ô nhiễm. Chuồng nuôi gia súc chưa đảm bảo, nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đa số các hộ trong 8 thôn đều thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất và kỹ năng quản lý nông hộ nên năng suất lao động thấp..." Đây là kết quả khảo sát của KOICA đối với 8 thôn Na Lang, Cốc Cái, Bồ Lũng (xã Lùng Vai) và thôn Lùng Khấu Nhin 1 (xã Lùng Khấu Nhin) của huyện Mường Khương; thôn Nậm Mòn và Cốc Cài Hạ (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà); thôn Say Sán Phìn và Sảng Mản Thẩn (xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai) trong năm 2014.
Mô hình Làng mới Seamaul Undong là tiểu hợp phần được triển khai với mục tiêu nâng cao thu nhập, tăng cường tính tự chủ tự lập của người dân, cải thiện điều kiện sống, điều kiện sản xuất của 8 thôn thí điểm trong Chương trình Hạnh phúc Lào Cai.
Sau 3 năm được triển khai, người dân ở các thôn thí điểm này đã biết tự nhân giống cỏ VA06 cấp cho các hộ chăn nuôi trong thôn trồng để làm nguồn thức ăn có chất lượng cao cho đàn trâu bò. Mỗi thôn đều có các mô hình chuồng nuôi kiểu mới sử dụng men vi sinh để xử lý phân.
Bên cạnh đó, kỹ thuật chăn nuôi của người dân cũng được cải thiện lên rõ rệt, người dân đã thay đổi thói quen nuôi gà thả rông sang hình thức khoanh vùng nuôi nhốt, sử dụng men vi sinh làm đệm lót chuồng nuôi nên không gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường xung quanh. Người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, đã tự chủ trong việc quyết định lựa chọn các loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao dựa trên nền tảng kiến thức kỹ thuật canh tác và liên kết thị trường từ Chương trình Hạnh phúc Lào Cai hỗ trợ.
Với phương châm "cầm tay chỉ việc," các cán bộ của chương trình không tổ chức hướng dẫn theo các lớp tập huấn mà tiến hành tư vấn, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình tại ruộng, qua đó, giúp người dân hiểu rõ kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đồng thời áp dụng ngay trên đồng ruộng...
Để người dân có thể phát huy nội lực của thôn theo đúng tinh thần tự lực của phong trào làng mới Hàn Quốc, ở mô hình này, cộng đồng thôn được trao quyền, trao tiền nhằm tăng tính chăm chỉ, tự lực và hợp tác của người dân. Người dân tham gia toàn bộ các hoạt động được triển khai tại thôn, như khảo sát nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá; nghiệm thu và bàn giao.
Cách làm mới này đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, giúp người dân có nhận thức rõ hơn về vai trò của mình, họ đã hiểu mình là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới.
Ông Kim Sun Ho bày tỏ: "Lúc đầu, tôi còn lo lắng không biết kết quả thực hiện sẽ ra sao, thực sự có thể thực hiện xây dựng làng thí điểm theo mô hình Làng mới hay không ở những địa bàn rất khó khăn như Lùng Khấu Nhin, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương hay Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai. Giờ tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người dân ở những làng thí điểm có thể phát triển thôn, bản của họ giàu đẹp hơn."
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Thể khẳng định chương trình Hạnh phúc Lào Cai đã trở thành “hình mẫu” cho việc thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh Lào Cai.
Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Lào Cai tiếp tục đề xuất kế hoạch nhân rộng Chương trình Hạnh phúc trên địa bàn 4 huyện Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, trong đó, chương trình tiếp tục triển khai mô hình Làng mới Seamaul Undong trên địa bàn 30 thôn với tổng vốn dự kiến khoảng 60 tỷ đồng và đầu tư xây dựng 376 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn 46 xã với tổng kinh phí trên 460 tỷ đồng./.