Mô hình nông nghiệp đô thị ở Bình Dương

Mô hình nông nghiệp đô thị ở Bình Dương
Trước xu hướng đất sản xuất nông nghiệp tại các đô thị đang giảm dần, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân đô thị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Bình Dương đã khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị. Thực tế cho thấy, nhờ sự hỗ trợ thiết thực của địa phương, các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả cao xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Dương…
Mô hình trồng lan Dendro của ông Mai Quốc Thái ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích nhỏ, lợi nhuận cao

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi đến tham quan trang trại trồng lan Dendro của ông Mai Quốc Thái ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), một mô hình nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường của nhà đầu tư và sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương. Bạt ngàn những cành lan khoe sắc dường như đã làm cho cái nắng đầu hè ở miền Đông Nam Bộ đỡ gay gắt hơn. Đưa chúng tôi dạo quanh trang trại rộng sáu héc-ta, ông Mai Quốc Thái chia sẻ: “Tất cả đều là lan Dendro xứ nóng có nguồn gốc từ Thái-lan, được trồng và khai thác theo dạng cắt cành và bán chậu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại lan này cho lãi gần bốn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động tại địa phương”.

Tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), với khoảnh đất chỉ 400 m2 nhưng trại nuôi cá dĩa Tuấn Tú của ông Võ Tấn Kiệt ở phường Chánh Nghĩa mỗi năm cho doanh thu hơn hai tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. Xuất phát từ việc nuôi làm kiểng để thưởng ngoạn, khi thấy mô hình này có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2003, ông Kiệt bắt đầu nuôi với số lượng nhỏ, lợi nhuận dành để liên tục tái đầu tư, đến nay đã nâng lên 300 hồ kính nuôi cá thương phẩm và 200 hồ nuôi cá sinh sản. Ông Kiệt cho hay: Thị trường tiêu thụ hiện rất tốt, ngoài tiêu thụ trong nước, trại còn xuất bán sang Xin-ga-po và Đài Loan (Trung Quốc).

Từ việc trồng lan Mokara chơi cách đây 10 năm, thấy có nhiều người hỏi mua, ông Lê Văn Đạt đã mở rộng vườn lan tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một. Chỉ với 1.000 m2 đất và tận dụng công nhàn rỗi trong gia đình để chăm bón, nhưng mỗi tháng, sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập 12 triệu đồng. Thành công của ông Đạt và nhiều hộ trồng lan Mokara khác là tiền đề để hình thành Hợp tác xã Hoa lan Đất Thủ gồm 87 hội viên với diện tích tám héc-ta. Hiện, mỗi ngày, Hợp tác xã cung ứng hàng trăm cành lan cho thị trường với giá bán từ năm đến sáu nghìn đồng/ cành và nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Đất Thủ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 130,5 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Ngoài ra, có 410 hộ đầu tư nuôi hơn 80.200 con các loại, chủ yếu là cá cảnh, cá sấu, ba ba, chim yến, trĩ, nhím, rắn,… Nhiều mô hình đã chứng minh sự hiệu quả với điểm chung: Diện tích nhỏ, lợi nhuận cao.

Đòn bẩy chính sách

Để nông nghiệp đô thị cũng như nông nghiệp công nghệ cao phát triển, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, có tác dụng khuyến khích nhiều người đầu tư phát triển.

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định về “Những giải pháp, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 - 2015” đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh theo hình thức ủy thác cho vay.

Tạo thuận lợi hơn nữa, đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có quyết định về “Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đô thị có thể vay vốn với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định. Mức vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án, nếu quy mô đầu tư của phương án từ một tỷ đồng trở xuống; tối đa bằng 80%, nếu quy mô đầu tư của phương án hơn một tỷ đồng. Chu kỳ vay kéo dài đến 60 tháng. Tính đến ngày 31-3-2017, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương đã thẩm định và quyết định cho vay 22 phương án với tổng mức vốn được duyệt vay 102 tỷ đồng, lãi suất 3,2%/năm; hiện đang tiếp tục nhận và xét duyệt các hồ sơ vay vốn.

Chủ trang trại lan Dendro Mai Quốc Thái cho biết: “Để làm được nông nghiệp đô thị với những mô hình hiệu quả kinh tế cao, nếu không có sự hỗ trợ thì khó làm được bởi lẽ vốn đầu tư ban đầu không phải nhỏ. Ngay trại lan của tôi, dù nỗ lực lắm nhưng lúc khởi sự chỉ đầu tư được 1,5 héc-ta vì trồng lan Dendro chi phí đầu tư ban đầu cho một héc-ta đã hơn bốn tỷ đồng. Năm 2013, nhờ vay được vốn ưu đãi từ chương trình hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Bình Dương với lãi suất 5,6%/năm, sau đó giảm còn 4,3%/năm, tôi có điều kiện mở rộng vườn lan lên sáu héc-ta”.

Chủ trại cá dĩa Tuấn Tú Võ Tấn Kiệt cũng cho rằng: “Nông nghiệp đô thị nói dễ nhưng khó làm. Với chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn phát triển những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả cao”.

Rõ ràng, những chương trình, chính sách được tỉnh Bình Dương ban hành đã thật sự là đòn bẩy giúp nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất tiên tiến được ứng dụng rộng rãi.

Tạo cân bằng trong phát triển

Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa rất nhanh và đó là xu thế tất yếu. Bên cạnh những thành tựu chung đã được khẳng định, quá trình này cũng làm cho các nguồn lực trong nông nghiệp giảm nhanh; lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động lớn tuổi, lao động nữ ngày càng thiếu việc làm, đối mặt với nhiều thách thức đặt ra trước mắt cũng như lâu dài.

Có nhiều giải pháp để khắc phục mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đối với Bình Dương, sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị là hết sức cần thiết và là cách để phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh đất nông nghiệp giảm, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của xã hội đối với sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt báo cáo Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, đây là chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm sản xuất ra phải theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

Phát triển nông nghiệp đô thị còn có vai trò quan trọng đối với phát triển đô thị thông qua cải thiện cảnh quan đô thị, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tại chỗ cho người dân đô thị, bảo đảm sức khỏe của người dân…



Tác giả bài viết: HỒNG LÂM, TRỊNH BÌNH

Nguồn tin: nhandan.com.vn