Mô hình phát triển bền vững ĐBSCL

Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng ĐBSCL theo hướng bền vững phải đặt trong tổng thể lịch sử - địa lý - kinh tế - chính trị - văn hóa vùng ngập lụt, mới khai khẩn nhưng đang bị biển xâm thực do biến đổi khí hậu nước biển dâng và phải gắn với Sài Gòn - Gia Định và Miền Đông Nam Bộ; phải giữ diện tích đất lúa cho có 15 – 20 triệu tấn để nuôi cả Vùng ĐBSCL + ĐNB + Tây Nguyên (chiếm gần 50% dân số cả nước); khai thác lợi thế của nước lợ, nước mặn làm nông nghiệp và xây dựng dân cư cho phù hợp; tiếp cận dần với một nền nông nghiệp thông minh, không gây ô nhiễm công nghiệp cho toàn vùng, nhất là các nhà máy nhiệt điện - than, dệt nhuộm, đóng tàu, giấy…; nâng cao dân trí, dạy nghề phi nông nghiệp, phục vụ chuyển dịch lao động ra ngoài vùng, vừa giải quyết việc làm, vừa giảm mật độ dân cư; đầu tư KH&CN.
Trồng hoa cảnh ở đồng bằng sông cửu Long. Nguồn ảnh: Pinterest.
Mô hình kinh tế

Do điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, tay nghề truyền thống của nông dân nên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được xác định “mô hình kinh tế” gồm có nông nghiệp lúa nước, nuôi trồng thủy - hải sản - đánh bắt xa bờ, du lịch tâm linh - sông nước – hải đảo và thương mại – dịch vụ. Việc xác định “mô hình” đó thực ra không có gì mới, chỉ là căn cứ vào tình hình thực tiễn để làm rõ nhận thức về: biến đổi khí hậu, liên kết vùng trên cơ sở khác dạng chứ không chỉ liên kết đồng dạng (đồng dạng là ra sản lượng – về số, khác dạng là tạo ra giá trị - về chất).

Từ mô hình đó, ĐBSCL đã được xác lập cơ cấu kinh tế phù hợp:

- Công nghiệp của ĐBSCL sẽ tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản – thủy sản, năng lượng tái tạo, sản xuất máy và phụ tùng cho ngành nông nghiệp – ngư nghiệp. Những thông tin gần đây cũng cho thấy các tỉnh ĐBSCL đã chuẩn bị cho cơ cấu công nghiệp này. Chẳng hạn vừa qua, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ cho rút cơ sở nhiệt điện Cái Cung ra khỏi qui hoạch điện VII trên địa bàn tỉnh để thay bằng điện gió, nhằm đảm bảo an toàn cho vùng nuôi thủy sản, là tín hiệu vui cho ĐBSCL.

- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp

+ Lúa gạo vẫn là thế mạnh chiến lược của ĐBSCL. Từ 1989 đến hết năm 2016, tổng lượng gạo xuất khẩu 116 triệu tấn, thu về 39,28 tỷ USD, trong đó ĐBSCL góp trên 90%. Nếu biến đổi khí hậu cực đoan, có thể chúng ta không còn xuất khẩu gạo, nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực.

+ Sản xuất cá tra là thế mạnh của Việt Nam vì hầu hết các nước ASEAN có cá tra nhưng chỉ phát triển tự nhiên mà không nuôi công nghiệp. Theo Bộ NN& PTNT có 9/10 tỉnh, thành trong khu vực ĐBCSL nuôi cá tra, với tổng diện tích 4.552 ha. Theo VASEP, sản lượng cá tra đạt trên 1,4 triệu tấn vào năm 2010, đến năm 2016 tuy sụt giảm sản lượng nhưng vẫn đạt 1,15 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD. Đây vẫn là ngành kinh tế quan trọng, thu hút trên 200.000 lao động.

+ Rau củ, trái cây xuất khẩu có khả năng cạnh tranh. ĐBSCL là vùng sản xuất rau, trái cây lớn nhất, chiếm trên 50% diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước.

+ Sản xuất dược liệu là lĩnh vực tạo ra giá trị cao và các tỉnh ở ĐBSCL có điều kiện về đất đai, nguồn gene, đặc biệt là khu vực An Giang – Bảy Núi có lợi thế này. Phát triển dược liệu ở ĐBCSL phù hợp với nhu cầu về dược liệu trong nước cần khoảng gần 60-80.000 tấn/năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu đạt gần 5.000 tấn/ năm, đem lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm.

+ Nghề đánh bắt-nuôi-trồng hải sản vốn là thế mạnh của vùng ĐBSCL và đang phát triển mạnh.

- Du lịch ở ĐBSCL có các loại hình đa dạng như du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch sông nước v.v... đã và đang mở ra khả năng thu hút đông đảo du khách. ĐBSCL là một không gian khá hẹp lại bao gồm khá nhiều tài nguyên du lịch là vốn quí do thiên nhiên và con người tạo ra đang cần khai thác trong thế liên kết - liên hoàn.

Hợp tác và liên kết kinh tế

- Hợp tác, liên kết ngoại vùng: Đặt mối quan hệ chiến lược với TP HCM. Hợp tác với các tỉnh, các khu công nghiệp, với các doanh nghiệp nước ngoài trên từng lĩnh vực, từng sản phẩm cụ thể để tạo ra sự đồng dạng, đồng chất, đồng giá thị trường.

- Hợp tác giữa các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác xã (HTX), kinh tế hộ nông dân, kinh tế trang trại làm tăng nội lực là chính.     

+ Hộ nông dân có xu hướng liên kết với nhau dưới hình thức tập trung đất, đồng thời hợp tác với các hộ có phương tiện dịch vụ sản xuất và thương lái (nhà buôn) mua bán vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân đó có thể hợp tác với các bên thông qua “đầu mối” là giám đốc HTX nhưng phải có hợp đồng kinh tế tay đôi (nông dân với HTX), hoặc tay ba (nông dân với thương lái và HTX). Tất cả đều phải có giá trị pháp lý.


Sản xuất lúa mùa nổi trong bờ bao, diện tích nhỏ, phải xua đuổi nhiều động vật gây hại.

+ Kinh tế trang trại thực chất là doanh nghiệp nông nghiệp, có vai trò rất tiến bộ và rất quan trọng, vì là hình thức tích tụ đất sản xuất quy mô lớn, hiện đại, linh hoạt với thị trường. Mối quan hệ của trang trại với hộ sản xuất và HTX là quan hệ kinh tế, xử sự “thấu tình đạt lý” hơn pháp lý, cùng mục đích làm giàu.  

+ Nhà khoa học (các viện, trường, cơ sở nghiên cứu và cá nhân) cung cấp các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng thành công cho nông dân bằng cách bán lại cho cơ quan Nhà nước để chuyển giao lại hoặc bán trực tiếp cho nông dân, HTX. Thúc đẩy mua bán các nghiên cứu sáng tạo mới mong có KH&CN phát triển.

+ Nhà nước đưa ra chế tài pháp luật, giúp công nhận, bảo vệ bản quyền sáng chế, làm trọng tài đối với các hợp đồng kinh tế giữa các “nhà” với nhau. Đây là công cụ hữu hiệu nhất cho hợp tác bền vững. 

Một số giải pháp

1/ Mở rộng liên kết nghiên cứu khoa học, nâng cao hiểu biết sâu về một vùng đất trẻ đã “thâm canh” 200 năm nhưng vẫn còn nhiều điểm “hoang hóa” trong nhận thức của chủ nhân ông của nó. Đặc biệt về mặt văn hóa lịch sử, phải khẩn trương tiến hành nghiên cứu nền Văn minh Óc Eo để tìm câu trả lời cho một vấn đề bức thiết là: Dân tộc Phù Nam là dân tộc như thế nào, tồn tại ra sao? Lãnh thổ và tổ chức đời sống người Phù Nam xưa như thế nào? Vì sao họ biến mất? Hơn nữa, có thể vấn đề “biển tiến – biển lùi” qua nghiên cứu khảo cổ sẽ dạy cho ta bài học về “sống chung với mặn”.

2/ Phải có chiến lược tổng thể đa mục tiêu. Quy hoạch phải thống nhất ở cấp lưu vực sông. Lấy nước và đất làm cơ sở, rồi từ đó xét các vấn đề hạ tầng kinh tế xã hội khác. Còn nếu cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu nhập Tổng cục Thủy lợi vào Bộ TN&MT để thống nhất quản lý hành chính và khoa học kỹ thuật chuyên ngành về đất và nước, trong đó có nước cho nông nghiệp, nước cho công nghiệp và cả nước cho sinh hoạt, tránh tình trạng quản lý “hai bộ cùng với...” đang có kẽ hở.

3/ Đầu tư giao thông trong vùng ĐBSCL: Nên đầu tư vào các quốc lộ bằng ngân sách quốc gia, hạn chế BOT các con đường huyết mạch không phải quốc lộ để thể hiện trách nhiệm Nhà nước và công bằng xã hội, sòng phẳng với nông dân. Bởi vì toàn bộ cầu đường nông thôn, hệ thống đê bao khép kín căn bản là do nông dân ĐBSCL góp sức xây dựng, trong khi đó họ đã sản xuất cứu đói, cứu nguy những năm 1986 – 1989 và xuất khẩu gạo, cá tra, cá basa từ năm sau đổi mới tới nay mang về bao nhiêu là ngoại tệ!

4/ Tạo mọi điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng mô hình kinh tế ĐBSCL. Không giao nhiệm vụ kinh doanh cho cơ quan hoặc doanh nghiệp Nhà nước. (vai trò lịch sử của doanh nghiệp nhà nước qua rồi). Nhà nước chỉ quản lý hành chính, nghiên cứu KH&CN; có chính sách khuyến khích sản phẩm mới, tận dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, phát triển cây dược liệu, phát triển năng lượng tái tạo; tăng thuế hoặc phạt nặng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; ưu đãi cơ sở sử dụng lao động tại chỗ. Tăng cường vai trò trọng tài của nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội mà từ lâu bị buông lơi hoặc không làm.

5/ Tạo sự liên kết tương hỗ, gắn bó giữa hai vùng kinh tế ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh vốn đã có mối liên hệ hàng trăm năm trong lịch sử. Trong đó, đầu tư trường học, giao thông trên vùng ĐBSCL cũng chính là đầu tư trực tiếp cho TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Ví dụ, xây dựng Quốc lộ 1 từ Bình Chánh về Cà Mau không thể nào chỉ có lợi riêng cho các tỉnh! Các trường học trong vùng đào tạo lao động trẻ không chỉ để làm nông nghiệp cho tỉnh!

6/ Công cụ “đo lường” hiệu quả quản lý nhà nước: Đề nghị không để tỉnh tính GDP ở cấp tỉnh (mà phải do Tổng cục Thống kê công bố và cấp nào cũng phải sử dụng). Phát triển không chạy theo GDP bằng mọi giá theo cách làm mang tính thi đua như lâu nay mà phải có lấy ý kiến người dân, theo dõi dư luận xã hội về các hạng mục cụ thể trong quá trình xây dựng, phát triển như: Cầu đường, trường học, an ninh – an toàn - trật tự - vệ sinh công cộng, bộ mặt xã hội và quan hệ đối xử giữa người với người v.v... Phát huy vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ Quốc, của báo chí – truyền thông – dư luận xã hội, nhất là trực tiếp ở địa phương.

7/ Nên để tiền thuế lại cho TP. Hồ Chí Minh với tỷ lệ thích hợp, công bằng, đủ sức xây dựng – phát triển, vì xây dựng cho TP. Hồ Chí Minh cũng là cho ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. TP. Hồ Chí Minh nếu không là “đòn gánh” thì cũng là “đòn bẩy” cho toàn Nam Bộ và cả nước. Tháng 6 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, nếu GDP TP. Hồ Chí Minh tăng 1% thì GDP cả nước tăng 0,21%. TP. Hồ Chí Minh góp 22% GDP và 30% ngân sách quốc gia. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh yếu là cả nước yếu và ngược lại. Không nơi nào thay thế được vai trò đó. Nhưng TP. Hồ Chí Minh cũng không thể “đơn độc” mạnh lên mà thiếu Đông Nam Bộ và hai “Tây” – Tây Nam, Tây Nguyên liên kết. Dư luận không thể chấp nhận tình hình trầy trật vì thiếu vốn tại công trình Metro TP. Hồ Chí Minh hiện nay, trong khi các Bộ và thành phố đổ lỗi cho nhau! Ai xử?

8/ Kiện toàn các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “Bộ này cùng Bộ kia phối hợp...”
Theo tiasang.com.vn