Mô hình tôm - lúa: Dễ chung sống với... biến đổi khí hậu

Mô hình tôm - lúa: Dễ chung sống với... biến đổi khí hậu
Theo tiến sĩ khoa học Nguyễn Hồng Thủy - Phó Giám đốc Sở TNMT Tiền Giang - mô hình kết hợp tôm - lúa hiện đang được nhiều địa phương khu vực ĐBSCL áp dụng. Thực tế đã chứng minh, đây là lựa chọn hợp lý cho vùng ĐBSCL trong ứng phó với... biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Thủy, mô hình kết hợp tôm - lúa khởi đầu được nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... phát hiện rất tình cờ: Khi thu hoạch lúa họ thấy trong ruộng có nhiều tôm, tép; con nào con nấy “ngon lành”! Vậy là ý tưởng kết hợp tôm - lúa nảy sinh và ngay lập tức phát huy hiệu quả nhờ sự bổ trợ, tương tác cho nhau giữa 2 đối tượng này: Tôm nuôi trong ruộng lúa tăng trọng nhanh nhờ nguồn thức ăn thiên nhiên dồi dào, sạch bệnh. Ngược lại, cây trồng sau vụ nuôi tôm cũng rất tốt bởi đồng đất được bổ sung độ phì nhiêu, sản phẩm lúa cũng an toàn vì không sử dụng hoặc sử dụng rất ít thuốc trừ sâu trong chu kỳ gieo trồng. Tiếp đến, các nhà khoa học chọn tạo được những giống lúa có khả năng chịu mặn tốt càng giúp mô hình này có cơ hội phát triển; nhất là đối với địa bàn ĐBSCL vốn là khu vực trực tiếp đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...


Ở Tiền Giang, mô hình kết hợp tôm - lúa đã và đang được nhiều hộ nông dân - nhất là nông dân vùng đất nhiễm mặn Gò Công và huyện cù lao Tân Phú Đông - áp dụng. Gia đình ông Hà Văn Hải ở ấp Phú Hữu (xã Phú Tân) là một trong những hộ tiên phong áp dụng mô hình này năm 2011. Theo ông Hải, mô hình này thực ra không quá phức tạp và tốn kém, lại phù hợp trình độ nông dân, hiệu quả thấy rõ: Cây lúa ít sâu bệnh, thu lời cao... Ông Hải cho biết: “Trong năm đầu tiên áp dụng mô hình này tôi thu trên 15 tấn lúa, 4 tấn tôm thương phẩm và thêm một lượng lớn các loại thủy sản khác (cá, cua, tép đồng...); bán tất cả được 209 triệu đồng, trừ chi phí còn bỏ túi trên 165 triệu đồng, lời gấp 4 - 5 lần nếu so với chỉ độc canh cây lúa trên vùng đất khó này!”.

Theo tiến sĩ Thủy, để mô hình kết hợp tôm - lúa phát triển bền vững, Tiền Giang và các địa phương khu vực ĐBSCL cần rà soát hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo nguồn nước điều tiết phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch; quan trọng là phải chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm-lúa. Song song đó, cần đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, làm sao để có thể xét nghiệm và cho kết quả nhanh nguyên nhân dịch bệnh phát sinh ở tôm; đồng thời thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm có quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu...
Theo laodong.com.vn