Mở rộng áp dụng VietGAP ở vườn cây có múi
- Chủ nhật - 29/10/2017 11:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diễn đàn tổ chức sáng 25.10, tại Yên Bái, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Yên Bái tổ chức. Dự diễn đàn có ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. 70 nông dân của 7 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái và một số doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tỉnh Yên Bái cũng tham dự diễn đàn.
Cơ hội lớn, thách thức lớn
Nông dân Trịnh Thị Châm - Thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Nghị
Trong chương trình Diễn đàn, đại biểu các tỉnh đã đi tham quan mô hình trồng bưởi tại thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. |
Theo TS Trần Văn Khởi, để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững, cần tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ về: Quy hoạch, rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; liên kết sản xuất, tiêu thụ; kỹ thuật và công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến; mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh khẳng định, diễn đàn là cơ hội tốt để cán bộ khuyến nông, nông dân các tỉnh, nhất là nông dân Yên Bái được đối thoại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề quan tâm trong phát triển cây ăn quả có múi. Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả cùng với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, trong đó cây ăn quả có múi là nhóm cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Khánh cho biết, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt "Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả có múi giai đoạn 2016 - 2020”, mục tiêu đến năm 2020 hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi trên 4.000ha.
Đối với 14 tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc, cam, bưởi, quýt là cây ăn quả hàng hóa chủ yếu tại nhiều địa phương, diện tích hiện có khoảng 43,5 nghìn ha, chiếm 23,5% diện tích cây ăn quả toàn vùng, chiếm 60% diện tích cam, bưởi, quýt ở các tỉnh phía Bắc và bằng 27,6% diện tích cam, bưởi, quýt cả nước. Tuy nhiên với hiện trạng phát triển cây có múi trong vùng còn những hạn chế lớn, nhất là tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý phát triển trồng cây ăn quả theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng trồng, chặt gây lãng phí, không đảm bảo tính ổn định, bền vững của vùng nguyên liệu. Việc tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Nâng cao tỷ lệ sản phẩm VietGAP, GlobalGAP
Tại diễn đàn, các nông dân đã đặt trên 50 nhóm câu hỏi, kiến nghị với các nhà quản lý, chuyên gia và được giải đáp về: xử lý sâu bệnh trên cây ăn quả có múi như bệnh lở cổ rễ ở cây cam sành, nấm ở cam sen, chảy gôm ở cây bưởi, sâu đục cành, rệp sáp, nhện đỏ...; cách thức sử dụng chế phẩm sinh học. Theo tư vấn cuaủa các chuyên gia, phương pháp nhân giống tốt nhất hiện nay là ghép giống. Cùng với đó, trồng cam sành trên đất dồi dốc cho hiệu quả cao; sử dụng túi bao quả; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; khắc phục hiện tượng rụng quả bưởi non, khô tép; giống quyết định quả ít hay nhiều hạt...
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học còn giải đáp cho nông dân về: các giống mới, giống tốt trên thị trường hiện nay; quy định về sản xuất giống, kinh doanh giống; sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP và duy trì nhãn hiệu tập thể sản phẩm…
Trong phát biểu kết luận diễn đàn, TS Trần Văn Khởi nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng cần tập trung phát triển sản xuất cây ăn quả có múi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng các giống đặc sản nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương. Vùng trung du, miền núi phía Bắc là 1 trong các vùng sản xuất tập trung cây có múi, trong đó: Đông Bắc có thế mạnh về cam, quýt, bưởi; Tây Bắc là cam, quýt. Sản xuất phải theo hướng tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng.
Ông Khởi cho rằng, sản xuất các loại cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng phải hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo an toàn thực phẩm. Diện tích sản xuất tập trung phải chiếm trên 70%, gắn với phát triển ngành công nghiệp chế biến; 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao tỷ lệ sản phẩm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tăng cơ cấu diện tích giống cây có múi giá trị xuất khẩu tại các vùng phù hợp. Phấn đấu đưa cây có múi sớm nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia.