Mở rộng cửa đầu tư vào nông nghiệp

Mở rộng cửa đầu tư vào nông nghiệp
Mới đây, Bộ KH-ĐT đã tổ chức họp báo về Hội nghị toàn quốc thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại Lâm Đồng hôm nay (30/7) để đánh giá tình hình đầu tư vào nông nghiệp, tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn.

Gần 50 nghìn DN đầu tư vào nông nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

12-22-54_du_luoi
Chính phủ đang chú trọng thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành một nước XK nông sản lớn trên thế giới, cụ thể thủy sản là ngành có giá trị XK cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD; tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD; rau quả đạt 3,502 tỷ USD; cà phê với 3,24 tỷ USD...

Để đạt thành tựu đó, các DN đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính đến hết quý II/2018, ước tính có khoảng hơn 49,6 nghìn DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động.

Các DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%. Tiếp đến là DN có quy mô lớn với 5,59% và DN có quy mô vừa với 2,06%. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ DN.

“Với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho DN đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, Bộ KH-ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các Bộ, cơ quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắngcho hay.

Các DN đầu tư vào nông nghiệp phản ánh, họ gặp một số khó khăn như quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu SX; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp bất hợp lý…  

Còn tồn đọng 500 thủ tục

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT) cho hay, mặc dù hiện nay không còn điều kiện kinh doanh nào cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn còn tồn đọng 500 thủ tục hành chính cần rà soát. Vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

Nổi bật có ba nghị định: Nghị định 61/2010/NĐ-CP chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; và mới đây nhất là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ 57). 

NĐ 57 có một số điểm mới, đó là tập trung tháo gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính. Với cách thức là vừa giảm, vừa lồng ghép và minh bạch hóa các thủ tục hành chính giúp DN dễ tiếp cận các dự án đầu tư vào nông nghiệp.

“Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tiến hành rà soát, cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư vào nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng giúp thu hút đầu tư của các DN”, đại diện Cục Phát triển DN nhấn mạnh.

Bên cạnh rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN đầu tư vào nông nghiệp, NĐ 57 còn có cơ chế đẩy mạnh phong trào NTM, tích cực dồn điền đổi thửa; tập trung đất đai…

12-22-54_img_1319
Bộ NN-PTNT đang tiến hành rà soát, cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Đối với những đề xuất về tín dụng và bảo hiểm cho nông nghiệp mà Bộ KH- ĐT đưa ra tại hội nghị ngày hôm nay, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thông tin, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp đã được bàn thảo rất nhiều không chỉ trong thủy sản mà lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay bảo hiểm chăn nuôi, trồng trọt đều chưa có.

Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu và bước đầu hình thành khung pháp lý hợp nhất cho bảo hiểm nông nghiệp.

Việc hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, ông Thắng nhấn mạnh: “Thực chất đây là động thái nhắc lại để Chính phủ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần phải tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn nữa các chính sách tín dụng trong lĩnh vực NN-PTNT”.

Hội nghị được tổ chức nhằm 5 mục tiêu: Thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo đối với nông nghiệp (lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển); Truyền tải những điểm mới của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tới cộng đồng DN; lắng nghe ý kiến DN, chuyên gia, hiệp hội về những kiến nghị với Chính phủ; Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ đối thoại với DN, hiệp hội và các chuyên gia; Đề ra hành động của Chính phủ thông qua một Nghị quyết nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp.
TÂN YÊN/nongnghiep.vn