Mong về một làng hoa trù phú!

Mong về một làng hoa trù phú!
Những cơn mưa ẩm ướt, lạnh buốt của Thanh Hóa vào những ngày cả miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh tăng cường đã không đủ sức cản bước chân tôi về với vùng bãi bồi xóm 3 (Hoằng Lý, TP Thanh Hóa), về với mùa hoa cải nở vàng ven con sông Tào lững lờ chảy trôi.
Như đã thành thói quen khó dứt, mấy năm trở lại đây, cứ chờ dịp hoa cải đua nhau rộ vàng là tôi lại men theo lối cũ tìm về, chỉ để thỏa chút thương nhớ trong lòng mình. Cũng chẳng biết từ bao giờ, sắc vàng rực rỡ như ánh nắng những ngày đầu hạ ấy lại gieo vào lòng tôi niềm thương cảm sâu sắc đến thế. Phải chăng, đã là từ những năm tháng tuổi trẻ “mài đít quần” trên ghế giảng đường Trường Viết văn Nguyễn Du, say sưa đọc như nuốt từng chữ trong tác phẩm “Mùa hoa cải ven sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Chinh – nhân vật chính trong tác phẩm là một cô gái còn quá trẻ với biết bao mơ mộng, hồn nhiên nhưng lại phải chấp nhận chôn vùi thanh xuân, hạnh phúc của mình trong chiếc thuyền chật hẹp, lênh đênh sông nước không biết ngày tháng nào ngơi nghỉ chỉ bởi “lời nguyền” hà khắc của người cha. Cha cô không cho phép bất kỳ ai trong nhà được “lên bờ” bởi “người trên bờ rặt một lũ ác độc”. Nhưng cuối cùng, “lời nguyền của dòng sông” có độc đoán, hà khắc đến bao nhiêu cũng phải lùi bước trước tiếng gọi của mùa hoa cải vàng quyến rũ ven dòng sông Đáy. Chinh đã theo tiếng gọi của sắc vàng như trải thảm ấy, dẫm lên lời nguyền của cha mà lên bờ. Và cũng chính những bông cải ấy đã “mai mối” cho cô một nhân duyên, cho cô biết tình yêu trên đời này là hạnh phúc và được sống trọn với từng khoảnh khắc của niềm hạnh phúc là niềm an ủi lớn nhất cuộc đời cô. Tôi còn nhớ rất rõ cái khoảnh khắc của buổi sáng hôm ấy, khi Chinh lần đầu tiên nhìn thấy “trên bãi sông Bến Chùa, một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô. Hoa cải gặp gió ấm đã bung nở. Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng”. Và Chinh đã khẽ thốt lên, như tôi của bao nhiêu lần đứng giữa những cánh đồng hoa cải vàng ruộm ven con sông Tào vẫn không khỏi thốt lên cảm thán: “Đẹp quá!”. Dẫu rằng, kết thúc của câu chuyện tình ấy không trọn vẹn; sự bảo thủ, cố chấp của người cha đã làm mọi niềm hạnh phúc tan vỡ nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ thôi hình dung về “những cánh hoa cải rụng lấm tấm vàng”, về “những mùa hoa cải vàng lấp lánh dưới trăng”.
 

Men theo con đường nhỏ ướt nhoèn đất vì mưa, tôi đưa tay khẽ chạm vào những chùm hoa cải đọng nước long lanh, tinh khiết. Gió đông nhẹ lướt qua, bát ngát những cánh đồng hoa cải đồng loạt run lên khe khẽ. Phải chăng chính bởi sự mong manh này mà hình tượng hoa cải cứ trở đi trở lại tha thiết trong những câu chuyện tình buồn vì phải xa cách, biệt ly? Tôi thương mùa hoa cải mong manh, khắc khoải trong những câu hát mộc mạc, chân tình của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo: “Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đang thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng/ Có một mùa hoa cải/ Nắng vàng trong mê mải/ Cầm tay anh bối rối/ Anh nói lời yêu thương/ Anh nói rồi anh đi/ Chiến tranh không ước hẹn/ Sợ làm con bướm trắng/ Thẫn thờ chiều ven sông”. Những đợi chờ, hy vọng của người con gái ấy cứ ngày càng xa ngái, “thư đi không trả lời”, biền biệt “theo những mùa hoa trôi”. Để rồi, cuối cùng, câu chuyện tình khép lại trong một tiếng thở dài, buông xuôi: “Thế rồi thế rồi thôi/ Buồn thương hoa héo hắt/ Ai cũng bảo phải quên/ Em đành bước sang ngang”.
 

Hoa cải mỏng manh nay bước ra khỏi đời sống nghệ thuật. Thời đại số, thời buổi chạy đua với thị trường, nông thôn mới như một vòng quay thần kỳ đẩy những bông cải vàng vào vòng xoáy kinh tế bộn bề, vừa mừng lại vừa thương. Cả một vùng bãi bồi ven sông Tào thênh thang rộng, bên cạnh những ruộng ngô, ruộng rau bắp cải, xu hào xanh mởn vẫn kiên trì canh tác thì cho đến nay, đã có rất nhiều hộ đua nhau trồng cải. Cải trước đây chỉ được trồng để lấy rau và hạt bán thì nhiều năm trở lại đây, người dân đã nhạy bén khai thác những thảm vàng hoa cải lúc trổ bông để phục vụ nhu cầu thưởng hoa, thích chụp ảnh của khách ghé thăm. Thế rồi, “hữu xạ tự nhiên hương”, người người đua nhau tìm về. Vườn cải Hoằng Lý bỗng chốc nổi tiếng, kiếm được bộn tiền mỗi dịp trổ bông, thậm chí, số tiền kiếm được từ việc cho khách xuống chụp ảnh bỏ xa thu nhập từ việc bán rau và hạt truyền thống. Tôi ghé thăm vườn cải của gia đình ông Tào Quang Tuấn – một trong những người đi tiên phong trong việc khai thác vườn hoa cải cho hoạt động du lịch. Đứng trước vườn cải trải thênh thang ba sào đất đã nở những chùm hoa vàng rực, ông Tuấn không giấu nổi sự hãnh diện, niềm vui lấp lánh trong ý cười: “Tôi là một trong những người đầu tiên của Hoằng Lý mở dịch vụ cho khách xuống vườn hoa cải chụp ảnh. Ban đầu, tôi thấy có một vài thợ chụp ảnh thấy thích vẻ đẹp của vườn hoa nên xin phép xuống chụp ảnh. Tôi vui vẻ đồng ý ngay, cũng không nghĩ ngợi gì. Nhưng càng ngày, người xuống xin chụp ảnh ở vườn hoa cải càng đông nên tôi nảy ra ý tưởng, bàn bạc với gia đình, con cái thử mở dịch vụ này. Ai ngờ lại thắng lợi thế!”. Tôi hỏi bác đã làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng ấy, để ý tưởng có thể thu lại lợi nhuận như bây giờ? Bác hồ hởi cho biết: “Mình thì chỉ biết làm đất, chăm rau thôi nhưng con cái nó sáng tạo lắm. Chúng nó chụp ảnh vườn cải rồi đăng lên Facebook, quảng cáo trên đấy. Người này đồn người kia, rủ nhau đến ngày một đông”. Tôi mừng thầm trong ý nghĩ, những sản phẩm do bàn tay lao động cần cù, chất phác của người nông dân đã tiếp cận được công nghệ số, đã có thể tính chuyện xa xôi. Không đợi tôi hỏi tiếp, bác Tuấn đã vươn tay bao quát cả một vùng: “Hiện tại, tôi đang canh tác tổng cộng sáu sào đất. Trước thời điểm làm cải, tôi canh tác ngô, lạc. Đến vụ thì cả sáu sào đều làm cải hết”. Chỉ tay vào vườn cải trước mặt, bác nói: “Chỉ tính riêng ba sào cải này, tôi thu được 5 triệu đồng từ việc bán rau; 10 triệu đồng từ việc bán hạt giống; 15 triệu tiền thu được từ việc cho khách xuống chụp ảnh với hoa”. Bác tính với tôi: “Đối với khách xuống chụp ảnh hoa cải, tùy vào thời điểm mà tôi thu tiền. Vào đầu vụ hoa, tôi tính: 30.000 đồng/người, càng về cuối vụ thì càng giảm, trung bình: 20.000 đồng/người. Với các cặp cô dâu – chú rể, tôi tính giá: 50.000 đồng/người, những người đi theo cô dâu – chú rể có nhu cầu chụp ảnh với hoa thì tính theo đầu người”. Những con số làm tôi nổi hứng bông đùa: “Bảo sao mà bác gọi là thắng lợi”. Bác cười giòn, khoe: “Năm nay thời tiết thất thường nên chưa đông khách chứ như năm ngoái, riêng tiền chụp ảnh tôi thu được 25 triệu đấy”. Lòng tôi như vui chung niềm vui với bác Tuấn, chân bước theo bác hết vườn cải này sang vườn cải khác. Dừng lại trước vườn cải trắng, vàng xen kẽ, bác Tuấn giới thiệu: “Ở đây, với mỗi mùa cải, tôi thường sáng tạo bằng cách phối màu hoa, tạo hình cho những khóm hoa cải... để tạo sự mới mẻ, thu hút hơn với khách. Những khóm hoa cải trắng này đều được tạo hình trái tim, chụp từ trên cao xuống thì ảnh cô dâu chú rể đẹp phải biết!”.
 

Tôi đưa mắt nhìn cả một khoảng không gian ngập tràn hoa cải, thầm thương mến, cảm phục sự nhạy bén, cách làm dịch vụ của những người nông dân này. Dẫu rằng, mọi thứ vẫn còn sơ sài, đơn điệu nhưng ý thức về sự liên tục đổi mới, nỗ lực vươn lên trong cách nghĩ, cách làm cho tôi nhiều hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn, phát triển hơn nữa của vùng bãi bồi ven sông Tào này. Lời nói của bác Tuấn trước khi tiễn tôi rời vườn cải càng khiến niềm tin trong tôi về sự phát triển của mảnh đất và con người nơi đây thêm vững vàng: “Nếu lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện, chúng tôi mong muốn được phát triển vùng bãi bồi ven sông Tào này thành một vùng trồng hoa trù phú, giống như những làng hoa khác trong tỉnh”.