Một chuyến săn “ốc trời”
- Thứ năm - 22/05/2014 20:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đẻ con chứ không đẻ trứng
Trong những hang động của người tiền sử, giới khoa học vẫn hay phát hiện tầng tầng, lớp lớp những vỏ ốc. Người ta giải thích đó là do quá trình biển lùi, đất tiến nên dấu tích của biển còn sót lại trong động, trong hang. Tôi cũng tin vào lý thuyết ấy cho đến một ngày chứng kiến những con “ốc trời” sống nhan nhản trên núi đá có hình dạng rất giống các lớp ốc di tích trong hang người xưa.
Sống trên cạn nhưng chúng không phải là ốc sên bởi có cái vẩy cứng để che miệng hệt như ốc nhồi, ốc vặn. “Ốc trời” không phát triển cơ thể theo chiều dọc mà chiều ngang nên mình dẹp, con lớn to bằng cái chén tống với cái miệng loe rất đặc trưng.
Giữa một buổi trưa hè rực lửa, tôi được Trịnh Ngọc Thảo (xã Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình), một tay săn “ốc trời” có hạng cho bám càng chuyến leo núi Thung Giếng. Vùng Lạc Thủy “ốc trời” phân bố nhiều ở Dốc Đất, Thung Vuông, Thung Chuối và Thung Giếng.
Ngay cả dân bản địa trước kia cũng chưa biết đến món đặc sản này. Công đầu phải kể đến là một bà từ mạn ngược về làm dâu xứ này đã lên núi bắt ốc về luộc rồi làm nộm đãi khách nhà chồng. Dân từ sợ thành quen, thành nghiện lúc nào chẳng hay.
“Ốc trời” chỉ thực sự trở thành hàng hóa chừng dăm ba năm trở lại đây. Khi người ta đã ngán tất tật những thứ thức ăn công nghiệp lắm mỡ màng, những thứ đặc sản đồng ruộng dính nhiều hóa chất muốn thử qua một thứ hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn sạch sẽ thì ốc trên núi trở nên hợp thời.
Luồn rừng săn ốc trời
Đồ nghề đi săn rất đơn giản chỉ là một con dao quắm dùng để phát cây mở lối, một cái bao tải để đựng ốc và một chai nước cho dặm trường cổ họng đỡ khô. Chúng tôi cứ men theo những rặng tre gai rậm rạp ven chân núi trực chỉ cửa Thung Giếng mà leo.
Địa hình mỗi lúc một khó. Đá nhọn ở dưới chân, gai góc, cành cây khù khoằm ở trên đầu. Nhiều khi không phải là đi nữa mà bò, trườn, luồn lách, leo trèo như khỉ, như vượn.
Thảo mách tôi chỗ nào có cây song nhớt mọc dày đặc thường là nơi có nhiều “ốc trời” vì đó là món ăn khoái khẩu của chúng. Ngoài song nhớt, ốc còn ăn cả lá dáy núi - loài cây có củ to bằng cái mũ, lá han - một loại lá ngứa đến bỏng da, cháy thịt và chỉ chịu ngậm miệng trước mỗi lá ngón độc. Chúng phàm ăn đến nỗi xơi từ lá tươi lẫn lá mục thậm chí khi không có lá thì gặm cả vỏ cây.
“Ốc trời” đẻ con chứ không đẻ trứng. Ốc non mới nở chưa có cái miệng loe ra tròn tròn như ốc trưởng thành mà thành miệng sắc lẻm. Chúng ăn quanh ốc lớn như đàn gà con vây quanh gà mẹ. Tháng ba ốc chào đời, tháng tám, tháng chín đã lớn thau tháu.
“Ốc trời” bò lên cây ăn lá, vin cành như ốc sên và thường đi thành đàn từ ba đến năm, bảy. Con đực bé hơn có vỏ màu trắng tinh còn con cái vỏ màu xám đá. Ốc trên núi xuất hiện vào tháng ba, khi những giọt mưa rào vừa rơi chạm vào mặt đá và biến mất vào tháng tám, tháng chín khi gió heo may về.
Cận cảnh “ốc trời”
Chúng biến mất như thể độn thổ, như thể chưa từng tồn tại trên quả đất này. Mưa càng lớn càng lắm ốc. Đi săn vào lúc trời đang mưa nhiều khi không phải là nhặt mà hốt, mà vơ được cả nắm, một hai tiếng là có thể vác về cả yến còn buổi bình thường chỉ được dăm ba cân.
Ốc bám trĩu cây, tay người vít cành bắt con này ở đầu kia con khác thấy động đã nhả miệng rơi lộp bộp xuống đá như quả sung, quả vả chín rụng. Ốc rơi dù có mạnh mấy nhưng không bị vỡ vì đã có một lớp áo giáp rất đặc biệt, khác thường. Chỗ những con “ốc trời” xuất hiện thường có một chỉ dấu là loài cua đá với bộ càng, gọng đỏ như cua biển đã hấp chín xuất hiện theo.
Người săn ốc phải thật nhanh chân, tinh mắt, thính tai vì còn phải cạnh tranh với cầy hương, cầy vòi vốn là những tay nghiện ốc hạng nặng. Dọc đường đi mà nghe thấy tiếng sột sột là y như rằng có một con cầy nào đó đang giơ cả hai chân trước lên nắm lấy con “ốc trời”, cắn vào lưng nó mà moi lấy thịt.
Trước các hang cầy nhiều khi có cả mũ cối vỏ ốc như vậy. Từ hồi đàn dê cỏ của người dân bản địa phát triển mạnh, tiếng dê be, tiếng người nói làm lũ cầy hoảng sợ chốn sâu vào trong núi, “ốc trời” càng có cơ phát triển nhiều hơn.
Giá 60 - 70.000 đồng/kg
Bản thân con ốc trời cũng là một vị thuốc quý để bồi bổ những thể trạng hay ốm yếu đặc biệt công dụng cho chữa chứng cam đỏ đít của trẻ. Vào tháng chín, tháng mười mùa trẻ hay mắc bệnh cũng là mùa chuẩn bị cạn “ốc trời”. |
Nhóm đi săn ốc thường từ 4 đến 6 người. Họ thuộc từng hang đá, hốc cây, bờ khe, họ ra tín hiệu cho nhau bằng những tiếng hú dài vang vọng núi. Đói đã có dâu da đất để ăn, khát lấy dao chặt một thân chuối rừng hay cái dây nho rừng thân to bằng bắp chân, hứng chai bên dưới chẳng mấy chốc sẽ được cả lít nước mát, thơm thơm, chát chát để dùng.
Vùng phân bố của “ốc trời” đặc biệt ở chỗ chân núi không bao giờ có, đỉnh núi không bao giờ có mà chỉ lưng chừng, chỗ có nhiều cây, nhiều hang hốc.
Giá ốc trời bán tại chân núi là 30-35.000đ/kg, về đến đô thị giá không dưới 60-70.000đ/kg mà không bao giờ sợ ế vì nguồn cầu luôn dồi dào.
Nếu trời mưa mươi, mười lăm ngày thương lái không vào được đến xóm núi cũng cứ để ốc trong bao tải vô tư mà không sợ chúng chết như ốc đồng vì đó vốn là loài sống trên cạn. Để như vậy nếu không cho ăn lá thì mươi cân ốc mỗi ngày hao mất chừng một hai lạng.
“Ốc trời” khác ốc đồng ở chỗ trước khi chế biến không cần ngâm mà chỉ nhúng xuống nước độ dăm phút. Ốc đang khát nước sẽ mở miệng ra uống, đám lá cây đang ngậm trong mồm cũng được ọe ra cho bằng hết. Rửa sạch đất cát bên ngoài vỏ đi là một loại đặc sản đã sẵn sàng đưa vào phục vụ.
"Ốc trời" không bao giờ sợ ế hàng
Ốc nướng than hoa chấm mắm ớt, ốc luộc với sả cùng lá chanh hay hấp mẻ rồi chặt đít mà hút đánh “soạt” một cái. Chao ôi, nước ốc ngọt, vị ốc thơm, thịt ốc sần sật như miếng gân, miếng sụn, ăn mãi mà không thấy ngán.
Nhiều bận đi chăn dê trên núi, anh em trong xóm hò nhau mang theo cả xoong nồi cùng hũ rượu nút lá chuối. Dê thả trên rừng tự đi tìm lá còn người chăn cắt đặt nhau kẻ tìm ốc, kẻ kiếm củi. Mặt trời đứng ngọ, chốn cái nắng như thiêu như đốt bên ngoài, họ chui vào hang Hốc Kẹt lúc nào cũng mát tựa điều hòa, luộc ốc, nướng ốc rồi nhắm rượu. Làm người tiền sử chắc cũng chỉ sướng đến thế là cùng.
Người ta bảo, “ốc trời” là ốc thuốc vì thức ăn của chúng toàn vị thuốc không bổ âm cũng bổ dương. Tỉ như song nhớt vỏ thì làm hương, lá đem sao uống. Tỉ như củ dáy trên núi đẽo ra, phơi khô mà sắc sẽ rất mát gan, lá dáy đun kỹ cho gia súc hay người uống thay cho nước chè, rất thanh nhiệt.
Theo Danviet.vn