Một nông dân sáng tạo nhận bằng khen của Thủ tướng
- Thứ hai - 12/10/2015 00:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Dũng mày mò chế tạo máy cắt cỏ, cắt thân bắp làm thức ăn cho bò - Ảnh: Đ.Vịnh |
Ông cũng vừa được Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc, còn lâu nay nhiều người vẫn gọi ông là... nhà sáng chế nông dân.
Ông đã sáng chế chục loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất hữu ích cho người dân.
“Không vì thu lợi nên tôi không làm ra để bán, chỉ giới thiệu để bà con dựa theo mẫu mã đó mà đặt các cơ sở cơ khí làm ra chúng để sử dụng. Tôi mong những cơ sở có điều kiện nên sản xuất cho bà con mình sử dụng nhằm tiết giảm chi phí, đỡ cực nhọc trong canh tác. Chỉ mong vậy thôi! |
Ông Nguyễn Văn Dũng |
Chế tạo máy thu hồi lúa
Dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc rồi cấp tỉnh vừa xong, ông Dũng lại ra Hà Nội dự chợ công nghệ và thiết bị quốc tế VN 2015. Trở về nhà hằng ngày ông lại tất tả chạy xuống tận cơ sở cơ khí nông nghiệp ở P.Bình Đức, TP Long Xuyên để hoàn thiện chiếc máy thu hồi lúa thất thoát khi thu hoạch.
Trước mắt chúng tôi là cái máy to gần giống như máy suốt lúa có hai bánh xe hơi để dễ dàng di chuyển trên đồng ruộng. Trên đó lắp động cơ nổ cùng với hệ thống liên hợp gồm các bộ phận như vòi hút, giàn sàng, giàn tách hạt lúa, tách tạp chất... Kỹ sư Nguyễn Quốc Nam ở cơ sở cơ khí này cho biết khi xe vận hành lưỡi cắt dưới gầm sẽ hạ xuống cắt gốc rạ, đồng thời vòi hút ở đuôi máy di động qua lại để hút những hạt lúa rơi vãi từ dưới đất lên tháp.
Máy thu hồi lúa thất thoát |
Qua hệ thống sàng những hạt lúa to chắc sẽ được tách riêng tự động đổ vào thùng chứa được thu hồi lại để sử dụng. “Đem thử nghiệm cho thấy máy hoạt động rất... ngon lành, đảm bảo hút sạch lúa rơi. Chú Dũng đưa ra ý tưởng và thiết kế cái máy này, khi làm hai chú cháu cùng bàn bạc để thay đổi vị trí vài bộ phận cho phù hợp” - anh Nam cho hay.
Ông Dũng tâm sự qua quan sát ông thấy khi thu hoạch lúa bị thất thoát rất nhiều, trung bình mỗi hecta thường mất 300 - 500kg lúa, với ruộng lúa bị ngã đổ còn cao hơn. Nông dân biết rõ điều đó nhưng không còn cách nào khác nên đành phải chấp nhận. Qua nhiều năm mỗi hecta ruộng chứa hàng tấn lúa rơi rụng nằm chen chúc trong lớp đất mặt, cho nên gần đây nông dân chỉ sạ giống xác nhận mà ruộng vẫn bị lẫn lúa cỏ, lúa khác giống.
“Như vậy vừa uổng phí, vừa làm chất lượng gạo kém đi. Từ đó tôi muốn làm ra máy thu hồi lượng lúa hao hụt khi thu hoạch để không chỉ tận dụng lại, mà còn loại trừ được nạn lúa lẫn tạp, lúa cỏ cho bà con” - ông Dũng chia sẻ về việc làm của mình.
Máy diệt rầy trên hoa màu - Ảnh: Đ. Vịnh |
Nông dân đỡ vất vả, giảm chi phí
Trước đó chín máy và thiết bị do ông Dũng sáng chế từng nhận được nhiều bằng khen, được giải cao ở nhiều hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Ông Phạm Minh Huyền, phó chủ tịch UBND xã Bình Thủy, kể gần đây nhiều diện tích trồng lúa đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trồng hoa màu đòi hỏi kỹ thuật thâm canh, canh tác tốn nhiều công hơn, trong khi ở nông thôn lại thiếu lao động.
Thấy người dân đào rãnh, lên liếp bằng tay vất vả, ông Dũng tự nghiên cứu chế ra lưỡi cày cải tiến với hai cánh ủi bạt đất ra hai bên, khi gắn thiết bị này vào chiếc máy xới cầm tay công việc này được... giải quyết rất dễ dàng, nhanh chóng.
Nhiều hộ ở Bình Thủy đang sử dụng nó cho biết: “Trồng mỗi hecta bắp, để đào rãnh, lên liếp trước kia mỗi vụ cần tới 60 công lao động làm trong nhiều ngày. Với thiết bị này chỉ cần một người điều khiển máy xới làm trong ngày là xong, tốn chỉ vài chục ngàn đồng tiền dầu”.
Trồng màu việc bón phân không thể rải như trồng lúa mà phải bón ở từng mỗi gốc cây mất nhiều thời gian, công sức, ông Dũng nghiên cứu chế ra thiết bị bón phân rất độc đáo. Nó như chiếc xe cút kít một bánh dễ di chuyển trên ruộng rẫy, trên đầu gắn hai thùng nhỏ chứa phân hóa học.
Khi đẩy xe di chuyển giữa hai luống cây trồng, bộ phận nhông chuyền từ bánh xe sẽ làm cái trục có rãnh xoắn dưới đáy thùng quay đều đưa hạt phân theo hai cái ống ra ngoài rớt xuống ngay từng gốc cây.
“Một người đẩy xe rải phân bằng hai chục nhân công bón phân bằng tay. Làm khỏe re, không phải lom khom còng lưng đến cứng đơ cả người như trước” - ông Bùi Văn Tính, một nông dân ở Thới An, Thốt Nốt (Cần Thơ) vừa sắm chiếc xe bón phân, nói với vẻ hồ hởi. Cũng từ chiếc xe này, ông Dũng cải tiến làm ra thiết bị sạ giống mè tiết kiệm lượng giống, tiện lợi.
Trồng cỏ hoặc trồng bắp, đậu bắp lấy trái vừa tận dụng thân cây làm thức ăn cho bò cho lợi nhuận cao nên mô hình này phát triển, nhưng lại gặp cái khó là khâu cắt cỏ, cắt thân cây bắp mất nhiều thời gian, vất vả.
Ông Dũng mày mò nghiên cứu chế ra máy cắt cỏ, cắt thân bắp xếp chúng thành dãy rất dễ thu gom, với một người vận hành mỗi ngày cắt được từ 6ha. Vài lần ghé trang trại chăn nuôi thấy máng cho bò uống nước tuy phải đầu tư chi phí cao nhưng bất tiện, ông Dũng chịu khó mày mò cải tiến lại.
Thiết bị bón phân cho hoa màu |
Từ nguyên lý hoạt động xả nước của bồn cầu đứng ông làm ra hệ thống cấp nước tự động cho cả đàn bò trong chuồng trại rất tiện dụng. Hai thiết bị phục vụ nuôi bò này được nhiều trang trại chăn nuôi lớn ở ĐBSCL sử dụng.
“Chi phí đầu tư rẻ, không gây thất thoát nước, cũng dễ làm vệ sinh” - ông Hai Tới, chủ trang trại nuôi 120 con bò ở Cần Đăng, Châu Thành (An Giang), nhận định về hệ thống cấp nước tự động.
Nghiên cứu xong loại máy, thiết bị nào ông Dũng cũng đem bản thiết kế do mình vẽ bằng tay đến cơ sở cơ khí và bỏ tiền túi thuê họ “gia công”, chi phí cho mỗi “sáng chế” đó thường tốn hàng chục triệu đồng, riêng máy thu hồi lúa hơn 100 triệu đồng. Sau khi thử nghiệm loại máy nào xong ông đều liên hệ với Hội Nông dân, Sở Khoa học - công nghệ, Phòng Kinh tế huyện... xin trình diễn, giới thiệu rộng rãi cho nông dân biết.
Nói về nhà sáng chế nông dân này, ông Đoàn Văn Hiển, chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú, cho biết ông Dũng học tới lớp 9 do hoàn cảnh phải ở nhà làm ruộng, vốn bản tính hay học hỏi nên thường tìm đọc sách báo về kỹ thuật để áp dụng vào việc canh tác. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, thiệt thòi của nông dân nên ông chịu khó tìm tòi chế ra cả chục loại máy hữu ích, giúp bà con sử dụng đỡ làm việc bằng tay chân vất vả, tiết giảm chi phí trong sản xuất. “Chú Dũng đam mê nghiên cứu, có ý tưởng độc đáo, nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật của chú đã được ứng dụng rộng rãi, qua thực tế cho thấy rất hiệu quả, thiết thực” - ông Hiển nói. |