Một số điểm mới về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
- Thứ hai - 23/07/2018 03:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ nhất, Quy định đã thu hẹp đối tượng đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thay vì đánh giá đối với cả 03 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã Quy định chỉ tập trung đánh giá cấp xã để bảo đảm tính khả thi, thực chất vì các địa phương mới triển khai nhiệm vụ này, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên việc thực hiện rộng rãi sẽ gây khó khăn, lúng túng . Bên cạnh đó, việc tập trung đánh giá cấp xã cũng để đảm bảo gắn kết, thống nhất với xây dựng, đánh giá xã đạt nông thôn mới.
Các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được giảm bớt, tập trung vào các nội dung có liên quan đến tiếp cận pháp luật cho người dân. Ảnh minh họa |
Thứ hai, nâng cao vị trí, vai trò của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, trong đó gắn kết giữa xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với xây dựng nông thôn mới; đánh giá đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã. Qua đó, bảo đảm việc đánh giá được toàn diện, thực chất.
Thứ ba, các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được giảm bớt, tập trung vào các nội dung có liên quan đến tiếp cận pháp luật cho người dân. Theo đó, số lượng tiêu chí, chỉ tiêu đã giảm đáng kể, chỉ còn 05 tiêu chí (giảm 03 tiêu chí) và 25 chỉ tiêu (giảm 16 chỉ tiêu). Đặc biệt, để đảm bảo tính bền vững, ổn định của các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Quy định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung và điểm số các chỉ tiêu của các tiêu chí tiếp cận pháp luật.
Thứ tư, Không thực hiện phân loại cấp xã theo tiêu chí riêng như trước đây mà thống nhất tiêu chí phân loại cấp xã loại I, loại II, loại III để đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo tiêu chí chung về phân loại đơn vị hành chính cấp xã nhằm khắc phục tính trùng lắp, chồng chéo trong phân loại cấp xã theo quy định của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg.
Thứ năm, thẩm quyền xem xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thay vì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg để bảo đảm việc đánh giá, công nhận được thực chất hơn và nâng cao trách nhiệm, vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời giảm sự quá tải công việc cho cấp tỉnh.
Thứ sáu, việc đánh giá, công nhận cấp xã tiếp cận pháp luật được tiến hành hằng hàng năm căn cứ kết quả đạt được theo năm kinh tế - xã hội, tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31-12 của năm đánh giá, khác với thời hạn đánh giá theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg là tính từ ngày 01-07 của năm trước đến ngày 30-6 của năm đánh giá. Thời hạn công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 25-01 của năm liền kề sau năm đánh giá, còn theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg thời hạn này là nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 của năm đánh giá.
Thứ bảy, Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định chỉ thành lập Hội đồng ở cấp huyện để tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khác với Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg quy định thành lập Hội đồng ở cả 03 cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Quy định này xuất phát từ việc thu hẹp đối tượng đánh giá (chỉ còn cấp xã) và điều chỉnh thẩm quyền công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cấp huyện.
Thứ tám, Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định một điểm mới nữa là đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng và thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã nhằm tăng tính khách quan, minh bạch trong đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.