Một số lưu ý chăm sóc cây bưởi da xanh trong và sau hạn, mặn
- Thứ ba - 24/03/2020 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong thời kỳ hạn, mặn:
- Sử dụng các vật liêu thô xanh tủ gốc, giữ ẩm cho cây; có thể sử dụng loại lưới lan chắn sáng 80% cũng giúp hạn chế bốc thoát hơi nước.
- Kiểm tra hệ thống đê bao ngăn mặn, hạn chế rò rỉ nước lợ vào vườn.
- Thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn, khi có nước ngọt (độ mặn < 2‰) thì tranh thủ đưa nước vào, có thể tưới vườn và bổ sung nước dự trữ.
- Nếu cây đang mang trái, cần điều chỉnh sức nuôi cân đối với lượng nước dự trữ; cần thiết thì hủy một phần hay toàn bộ trái để cứu vãn vườn cây không bị chết kiệt do thiếu nước.
- Nếu vườn cây bị xâm nhập mặn, cần nhanh chóng rút nước mặn ra khỏi vườn. Tìm nguồn nước ngọt để tưới rửa mặn trong thời gian sớm nhất.
- Chú ý sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt (sử dụng năng lượng mặt trời, điện năng) sẽ tăng thêm hiệu quả sử dụng nước.
- Không bón phân NPK trong thời kỳ không có nước ngọt để tưới. Có thể phun phân bón lá Hydrophos-Zn, Cansi, các hoạt chất hỗ trợ khác để tăng tính chịu hạn, giảm tác hại của mặn đối với cây.
Sau thời kỳ hạn, mặn
- Sau khi có mưa hoặc nước ngọt trở lại thì tiến hành kiểm tra độ mặn, pH đất.
- Sau khi tưới rửa được 3 - 5 ngày thì tiến hành bón vôi CaO, CaCO3 khoảng 500 - 800 kg/ha, nhằm rửa phèn mặn để giảm độc chất trong đất. Sau đó, tưới rửa tiếp thêm 3 - 4 ngày thì bón phân chứa nhiều lân như DAP liều lượng khoảng 100 - 150 kg + 5 kg super humic cho mỗi hecta. Tiếp tục tưới thêm vài ngày cho phân tan, thấm đều vào đất, nhằm giúp cây ra rễ mới, phục hồi sinh trưởng.
- Sau khi cây ra tược chớm già thì tiến hành bón phân hữu cơ và NPK theo nhu cầu của cây với lượng vừa phải.
- Việc tỉa cành, tạo tán cần tiến hành khi cây đã hồi phục sau mặn và khi thời tiết đã mát dịu trong mùa mưa. Loại bỏ bớt hoa, trái trên vườn cây bị ảnh hưởng mặn.
- Đối với vườn chuẩn bị trồng mới cần chú ý sử dụng gốc ghép chịu mặn như bưởi bòng, sảnh…
- Chú ý theo dõi và có biện pháp phòng trị kịp thời các dịch hại như bệnh thối gốc, chảy nhựa, chết ngọn, thối trái do nấm Fusarium, Phytophthora gây ra. Một số côn trùng như nhện, rệp sáp, sâu đục trái… cũng dễ bùng phát do có điều kiện thuận lợi phát sinh, phát triển. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà bà con nông dân áp dụng biện pháp phòng trị phù hợp, nếu dùng thuốc phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả phòng trị cao và an toàn.
Trần Thị Vân - Trung tâm Khuyến nông Bến Tre
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/