Mùa muối “ngọt”
- Thứ ba - 03/03/2020 19:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Quốc Bình, ngụ ấp Phước Thạnh, “ diêm dân” đã có trên 50 trong nghề làm muối phấn khởi nói: “Năm nay mặn về sớm, độ mặn cao nhiều hơn mọi năm, đi kèm với nắng hạn gay gắt nên bà con làm muối trúng lớn sản lượng. Cạnh đó thương lái đến đặt cọc với giá 1.300 đồng/kg, cao hơn năm trước 500 đồng, người làm muối càng vui mừng nhiều hơn”.
Ông Bình kể thêm, làng muối Thạnh Phước là nơi cung cấp muối chủ lực cho hơn 1.500 tàu đánh bắt thủy sản của 3 huyện ven biển là: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Vì vậy luôn xảy ra tình trạng cung không đủ cầu. Tuy nhiên cũng có quãng thời gian người làm muối điêu đứng vì giá bán rơi tự do chỉ còn khoảng 150 đến 200 đồng/kg, khiến nhiều diêm dân phá sản, lâm nợ và “ treo” ruộng muối. Nhiều người đã phải chuyển từ ruộng muối sang ao nuôi tôm để “chữa cháy” nhưng cách làm này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn nên số người chuyển đổi không nhiều.
Từ năm 2018 đến nay, người làm muối ở Thạnh Trung đã bớt khó khăn vì giá muối tăng cao và bình ổn, hiện tượng bị “ép giá” không còn. Thêm vào đó nhiều người còn được vay vốn ưu đãi để phát triển nghề làm muối truyền thống.
Nhiều lão nông chuyên làm muối tính toán rằng: Với diện tích 1 ha, trung bình mỗi vụ, người làm muối sẽ thu về từ 1.200 - 1.500 giạ muối, có năm hạn mặn gay gắt sẽ có sản lượng lên đến 1.800 giạ. Điều đặc biệt là việc mua bán được thông qua đơn vị đo lường bằng giạ (mỗi giạ là 45 kg muối hột). Hiện nay giá bán mỗi giạ từ 55.000 đến 65.000 đồng/giạ khiến nhiều người rất phấn khởi.
Ông Lê Văn Tỏ, ngụ ấp Phước Bình, xã Thạnh Trung nói “Tôi làm muối trên 20 năm, chưa khi nào giá lại lên đến vậy, với tình hình này giá sẽ còn tăng cao hơn”.
Nghề làm muối ở Thạnh Trung tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, người dân ở đây còn gọi là mùa khô. Nước mặn từ biển Ba Lai sẽ được dẫn vào các “khuôn muối”, sau đó nước được di chuyển luân phiên của các khuôn được các con lăn làm phẳng lì. Dưới ánh nắng mặt trời, nước mặn sẽ bốc hơi và để lại muối hạt trên mặt ruộng, người làm sẽ cào lại từng đống to và bán cho thương lái. Ngoài việc giúp cho hàng ngàn hộ dân có điều kiện cải thiện kinh tế từ nguồn lợi tự nhiên, nghề làm muối đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động khác không có đất sản xuất thông qua các công việc: tháo nước, ủi ruộng cho phẳng, cân muối cho thương lái…
Năm 2009, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng mô hình “Sản xuất muối lót bạt” tại xã Thạnh Phước nhưng không khả thi vì chi phí đầu tư cao nhưng giá bán không chênh lệch là bao nên làng muối Thạnh Phước lại quay về với phương pháp sản xuất truyền thống cho đến nay.
Ông Nguyễn Văn Tẻo, ngụ xã Thạnh Trung cho biết: “Mỗi ngày lao động, cánh đàn ông được chủ ruộng trả 200.000 đồng, phụ nữ chỉ được 170.000 đồng, cơm nước mình tự lo. Tuy không nhiều nhưng sống ổn. Tuy nhiên mình chỉ có việc làm này khoảng 6 tháng vào mùa khô, còn mùa mưa mình phải kiếm chuyện khác để sống, chủ yếu vẫn là làm thuê bởi đa phần người lao động không có đất sản xuất…”.
Năm nay mặn xâm nhập sớm, cự li xa hơn, mức độ nghiệm trọng hơn, đi cùng thời tiết khô hạn nhiều hơn đã và đang mở ra cơ hội thu hoạch vụ muối năm 2019 – 2020 rất bội thu cho diêm dân Thạnh Phước.
Trương Thanh Liêm
Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ/http://www.khuyennongvn.gov.vn/