Mùa xuân kể chuyện “tìm nhau”

Mùa xuân kể chuyện “tìm nhau”
Giữa muôn vàn màu sắc của cuộc sống, cách các đôi trai gái tìm đến với nhau cũng thật là muôn hình, muôn vẻ...

Trên dải đất hình chữ S của chúng ta có rất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng, nhưng riêng gì thì riêng, cái không bao giờ và không thể nào khác được là chuyện tình yêu đôi lứa. Giữa muôn vàn màu sắc của cuộc sống, cách họ tìm đến với nhau cũng thật là muôn hình, muôn vẻ...

Những phiên "chợ tình" trên núi

... Nếu như những con đường miền xuôi đẹp dịu dàng như những thiếu nữ tuổi dậy thì, thướt tha và mềm mại, thì những con đường miền núi lại hấp đẫn bằng vẻ hoang sơ sơn nữ, thấp thỏm và huyền bí. Dọc đường đi, trên những sườn núi, những thửa ruộng lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo từng mùa lúa chín; thảng đôi lúc, xa xa, một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc, thấp thoáng giữa xanh của rừng, giữa mỏng mảnh của mây làm cho con đường như ngắn lại, nhưng thời gian thì cứ dài ra bởi những điều níu kéo... Chỉ đến khi những hàng sa mộc cổ thụ xanh rì suốt bốn mùa, một thứ cây thuộc họ tùng, rất đặc trưng của Sa Pa, hiện ra trong vài tầm với, người ta mới chợt nhận ra mình đã đến nơi...

 

mua xuan ke chuyen 'tim nhau' hinh 0
AFP.

Sa Pa bên cạnh bao nhiêu vẻ đẹp mà nhiều người cầm bút, cầm máy đã ghi lại, còn là nơi hò hẹn của những lứa đôi từ bao đời nay. Ấy là những cô gái Mông luôn miệt mài với công việc xe lanh nhuộm vải; Ấy là những chàng trai Mông ngang tàng với những cây dao, khẩu súng kíp đầy tinh thần thượng võ. Chính họ là những người đã góp phần tô thêm cái màu chàm bình dị mà sinh động của cuộc sống vào màu của núi non, cây cỏ. Đêm xuống, họ tìm nhau bằng tiếng đàn môi bập bùng, bằng tiếng nhị réo rắt thiết tha, trên những con đường hoe vắng, tạo nên một không khí thật nguyên sơ. “Chợ Tình” đấy. Cái “chợ” mà lâu nay từng khiến bao người, cả ta, cả tây, cứ tò mò và háo hức đấy. 

“Chợ” được “họp” vào tối thứ bảy hàng tuần. Vào lúc thị trấn lên đèn, từ khắp các ngả đường, người ta lũ lượt đổ về khu vực trung tâm. Đây là lúc vui nhất; từng tốp, từng tốp, ban đầu là nam riêng, nữ riêng, sau đó là đan hoà vào với nhau, tiếng đàn môi của các cô gái xen lẫn với tiếng nhị của các chàng trai tạo nên một thứ hoà âm trầm từ đáy sông cao tới tận sườn non. Và rồi chẳng biết những “nam thanh nữ tú” người Mông ấy đã “nhấm nháy” nhau từ khi nào, hay chỉ đến đây họ mới bắt đầu đi “tìm” để “hiểu”, mà chỉ một chập từ đầu đến giữa đêm là “chợ” đã vãn; từng cặp, từng cặp dìu nhau mất hút vào màn đêm dày đặc và se lạnh của vùng cao. Khi đó, những người đã quen chỉ cần nghe tiếng nhị cũng có thể biết được chủ nhân của nó đang ở trong tâm cảnh nào. Người tìm được bạn thì tiếng nhị dường như dập dồn, gấp gáp hơn, cứ vậy một hồi lâu rồi... tắt. Còn những người chưa tìm được bạn thì tiếng nhị càng về khuya càng kéo dài ra, ai oán, rồi cứ thế mất hút dần trên những con đường hiu hắt... Một điều thật lạ (và cũng thật thú vị) là cho đến khi ấy chỉ còn tiếng nhị chứ tuyệt không thấy tiếng đàn môi nào...! Cứ thế rồi đến một ngày thành đôi, thành lứa; rồi lên ông, lên bà...

 
 

 

 

mua xuan ke chuyen 'tim nhau' hinh 1
Các chàng trai cô gái múa hát trong những phiên chợ giao duyên - ảnh: phunukieuviet.

“Chợ tình” là chỗ để tìm nhau. Ngoài Sa Pa, người ta còn biết đến “Chợ tình” Mường Khương (Lào Cai) và “Chợ tình” Khau Vai (Hà Giang) nữa. Nhưng cái đặc biệt của chợ Khau Vai là mỗi năm chỉ họp có một lần, vào dịp tháng Ba; “Chợ tình” cũng theo đó mà dài tới cả năm trời mới có được một phiên; Và nó trở thành nơi hò hẹn của những cặp tình dang dở. Quanh năm tất bật với mưu sinh, chỉ có một ngày được trở về sống thật với lòng mình, với những kỷ niệm nồng nàn, âu cũng là điều đáng để người ta mong đợi suốt năm và ghi nhớ suốt đời...

Cạy cửa tìm nhau

Người Dao Tiền ở Thanh Sơn, Phú Thọ sống ven những sườn núi, bên những mảnh nương nhỏ, rải rác, với những bận bịu riêng của mỗi người, nên họ ít có cơ hội giao tiếp với nhau ngoại trừ một vài câu chuyện họa hoằn bên bến nước cuối ngày. Vậy nên đêm xuống, là lúc các trai bản lên đường tìm đến từng nhà...

Cách người Dao Tiền tìm đến với nhau xem ra có vẻ gì đó vừa ngang tàng, lại vừa quyết liệt. Chẳng Thôi hay Xao gì hết, mà là cạy cửa thẳng thừng. Theo phong tục, nhà nào có con gái đến tuổi cập kê thì cha mẹ đều phải kê giường cho con ở sát cửa ra vào. Tối đến, các chàng trai có thể cạy cửa vào nhà rồi tìm tới giường của cô gái để xin phép được tìm hiểu. Gọi là cạy cửa, nhưng xin đừng hiểu theo nghĩa của hành vi "Leo tường, khoét vách”. Chàng trai chỉ việc luồn tay qua khe cửa, lần ngược lên trên để nhấc chiếc chày gỗ chèn cửa đặt nhẹ nhàng ra ngoài là xong. Nếu cô gái không ưng thì có thể đuổi cổ anh chàng ra ngoài; khi đó phải liệu mà chuồn cho êm, bằng không có thể bị người nhà thức dậy nện cho một trận, thậm chí có thể còn bị chém nữa. 

 

mua xuan ke chuyen 'tim nhau' hinh 2
Tiếng kèn trong ngày cưới - ngày hạnh phúc nhất của những chàng trai cô gái Dao càng thêm phần ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngược lại, nếu cô gái đồng ý, anh chàng có thể ở lại trong màn, bố mẹ dù có biết mười mươi cũng phải tỏ ra không hề hay biết; miễn sao sớm hôm sau anh chàng phải biết điều vén màn, lách cửa chuồn sớm, trước khi cả nhà thức dậy. Có trời mới biết được họ Tìm gì và Hiểu được những gì ở nhau đêm ấy; nhưng nhiều cặp đã thành vợ thành chồng chỉ sau một lần “cạy cửa”. Cũng có anh chàng “cao số”, đi khắp bản mà chẳng được ai ưng, rồi chuyện có người khi vào đến nơi, thấy im ắng, tưởng ngon lành, hoá ra “lô cốt” đã có “địch”, lại ngậm ngùi quay ra cũng không phải là không từng có; Vậy mà chưa bao giờ thấy có chuyện mất đoàn kết giữa các chàng trai trong bản. Hoá ra quyền đi tìm tuy là ở người con trai, nhưng quyền lựa chọn thì vẫn là ở người con gái; và với cánh đàn ông, chuyện cạy cửa để vào được nhà nhiều khi tưởng là khó, nhưng rồi hoá ra đến lúc muốn ra khỏi cửa còn khó hơn rất nhiều...

nguồn: VOV.vn