Muốn phát triển nuôi biển cần ứng dụng công nghệ cao

Muốn phát triển nuôi biển cần ứng dụng công nghệ cao
Bình Định có đến 134km bờ biển thế nhưng không hiểu sao nghề nuôi biển ở Bình Định không được nhân rộng mà chỉ co cụm tại một số vùng biển thuộc TP Quy Nhơn.

PV NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, xung quanh vấn đề này.

11-16-24_ong_phuc_1_1
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Tình hình nuôi biển ở Bình Định hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hiện nuôi biển ở Bình Định chủ yếu nuôi bằng lồng bè theo kiểu truyền thống, tập trung phát triển tại một số phường, xã trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Tổng thể tích lồng nuôi khoảng 36.910 m3.

Trong đó, nuôi cá lồng bè tập trung tại phường Hải Cảng và xã Nhơn Châu gồm 107 hộ nuôi với 192 bè/1.221 lồng; số lượng cá giống thả khoảng 258.900 con; đối tượng là cá hồng và cá chẽm, sản lượng khoảng 80 tấn.

Nuôi ương tôm hùm giống tập trung tại xã Nhơn Châu, xã Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng, gồm 84 hộ nuôi với 39 bè khoảng 1.230 lồng, số lượng giống ương khoảng 181.300 con.

Nuôi tôm hùm thương phẩm tập trung tại xã Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng và xã Nhơn Châu, gồm 120 hộ nuôi với 42 bè khoảng 1.080 lồng; số lượng giống thả khoảng 89.200 con, sản lượng khoảng 24 tấn. Nuôi ốc hương tập trung chủ yếu tại đầm Đề Gi với diện tích nuôi khoảng 1ha; sản lượng ước đạt 15 tấn.

Với chiều dài bờ biển dài, thế nhưng nghề nuôi biển của Bình Định chỉ co cụm tại những vùng biển thuộc TP Quy Nhơn mà không thể nhân rộng ra các vùng biển khác nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 Đặc điểm tự nhiên của vùng biển Bình Định hầu hết là vùng biển hở, bị gió bão uy hiếp nên không thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè theo kiểu truyền thống. Nuôi biển muốn thành công phải hội tụ 2 yếu tố, một là vùng nuôi phải kín gió, hai là độ mặn vùng nước nuôi phải ổn định.

Trong khi đó, đặc thù của biển Bình Định không ủng hộ cho nghề nuôi biển. Bởi, vùng kín gió thì độ mặn không ổn định. Ví như ở đầm Thị Nại và làng chài Hải Minh thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn thì kín gió, nhưng nếu có mưa nguồn hoặc vào mùa bão lũ thì vùng nước nuôi lập tức bị ô nhiễm, gây bất lợi cho nuôi cá lồng bè.

Ở ngoài biển thì độ mặn ổn định nhưng lại không kín gió, trong khi đó lồng, bè nuôi cá của ngư dân còn sơ sài theo kiểu truyền thống, nên không thể trụ vững trước sóng to gió cả, dễ dẫn tới thiệt hại.

Định hướng nuôi biển trong thời gian tới của Bình Định như thế nào?

Để phát triển nuôi biển theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển bền vững, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, Bình Định định hướng nuôi trồng thủy sản biển rất cụ thể. Sẽ phát triển nuôi cá biển tại vùng biển ven bờ TP Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ; đối tượng nuôi là cá bớp, cá hồng, cá chẽm, cá mú.

Quy hoạch đến năm 2020 tổng thể tích nuôi là 14.812m3; năng suất đạt 3,4kg/m3; sản lượng đạt 50 tấn; nhu cầu con giống khoảng 0,24 triệu con; nhu cầu thức ăn khoảng 80 tấn. Tầm nhìn đến năm 2030 tổng thể tích nuôi là 23.000m3; năng suất đạt 6,5kg/m3; sản lượng đạt 150 tấn; nhu cầu con giống khoảng 0,37 triệu con; nhu cầu thức ăn khoảng 225 tấn.

Nuôi tôm hùm lồng ở xã Nhơn Hải với diện tích 19,5ha được quy hoạch cụ thể tại 2 vị trí cụ thể. Vị trí thứ nhất có tọa độ 13o45’42,6'' kinh độ Bắc; 109o17’31,1” vĩ độ Đông, diện tích 16ha. Vị trí thứ 2 có tọa độ 13o45’44,5” kinh độ Bắc; 109o17’48,9” vĩ độ Đông, diện tích 3,5ha.

Nuôi nhuyễn thể tập trung chủ yếu vùng đầm Đề Gi và đầm Thị Nại, đối tượng nuôi là hàu và ốc hương. Quy hoạch đến năm 2020 tổng diện tích nuôi là 40ha; năng suất đạt 11 tấn/ha; sản lượng đạt 460 tấn; nhu cầu con giống khoảng 27,4 triệu con. Tầm nhìn đến năm 2030 tổng diện tích nuôi là 105ha; năng suất đạt 11 tấn/ha; sản lượng đạt 1.190 tấn; nhu cầu con giống khoảng 71,5 triệu con.

11-16-24_1
Nghề nuôi biển của Bình Định cần phải áp dụng khoa học công nghệ.

Để nghề nuôi biển ở Bình Định được bền vững, theo ông thì phải như thế nào?

Nhất thiết là phải từng bước áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng. Công trình nuôi phải được đầu tư bài bản, nhất là lồng bè. Lồng bè vững chãi thì nghề nuôi biển ở Bình Định mới dám vươn ra ngoài vùng biển hở có độ mặn ổn định, bởi nó có thể trụ vững trước sóng gió, đặc biệt là những cơn bão kinh hoàng mà vùng duyên hải miền Trung thường phải gánh chịu.

Nuôi biển công nghệ cao còn liên quan đến giám sát môi trường, cho cá ăn tự động…, nhưng những vấn đề này là “chuyện nhỏ” nếu công trình nuôi được ổn định.

Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện lồng nuôi được sản xuất theo công nghệ của Úc, Na Uy, Mỹ…, nhưng người nuôi khó tiếp cận bởi giá cả rất đắt. Tuy nhiên, nghề nuôi biển bền vững sẽ mang lại thu nhập cao nên tôi tin tưởng ngư dân Bình Định sẽ quan tâm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vũ Đình thung/ Nông nghiệp