NN ĐBSH: Kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi ếch trong lồng lưới

NN ĐBSH: Kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi ếch trong lồng lưới
Có thể nói, ngoài việc tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình, mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới đang mở ra một hướng đi mới trong phong trào phát triển kinh tế ở xã miền núi Minh Quang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
1_14.jpg
Mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới của anh Dương Công Bách, thôn Cam Lâm, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo mang lại lợi nhuận hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trà Hương

Vĩnh Phúc: Kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ nuôi ếch trong lồng lưới

Từng bươn trải nhiều nghề để kiếm sống, thế nhưng cuộc sống của anh Dương Công Bách, thôn Cam Lâm, xã Minh Quang (Tam Đảo) bắt đầu khởi sắc kể từ khi anh triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới. Với kinh nghiệm dày dặn, vài năm trở lại đây, anh Bách kiếm hơn 500 triệu đồng mỗi năm từ ếch.

Năm 2009, anh bắt tay vào cải tạo lại ao rộng hơn 2.000m2 của gia đình, mạnh dạn đầu tư 10.000 con ếch giống để nuôi thử nghiệm. Loại mà anh chọn nuôi là giống ếch Thái Lan bởi theo đánh giá, chúng có khả năng sinh trưởng tốt hơn so với ếch đồng. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đàn ếch bị mắc bệnh, chết đến quá nửa.

Anh Bách chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi cảm thấy rất chán nản và hoang mang, từng có ý định dừng lại. May mắn nhận được sự động viên, khích lệ từ phía gia đình và bạn bè, tôi có thêm động lực lấy lại tinh thần, dồn tâm huyết để khắc phục hậu quả".

Tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiệt hại là do môi trường nuôi tập trung trong ao khiến cho việc phát hiện và xử lý bệnh tật còn hạn chế, anh tham khảo nhiều nơi và quyết định chuyển sang nuôi ếch trong lồng lưới nhằm khắc phục tối đa những nhược điểm trên.

Trên nền ao cũ, anh đầu tư hệ thống khung sắt và sử dụng lưới để quây thành những cái lồng, phía trên che lưới mát. Mỗi lồng rộng 8m2, được bố trí thêm 10 tấm xốp nổi lên trên mặt nước để làm nơi cho ếch trú ngụ. Để đảm bảo kỹ thuật, đáy lồng được đặt ngập 10cm so với mặt nước.

Anh Bách cho biết, so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ếch hiện nay đang cho lợi nhuận cao bởi thịt ếch được nhiều người ưa chuộng, coi là món đặc sản nên giá thành ổn định, đầu ra thuận lợi. Hơn nữa, chi phí đầu tư không cao và kỹ thuật nuôi không quá khó.

Sau hơn chục năm bén duyên với nghề, đến nay, mô hình của anh Bách trở thành một trong những mô hình nuôi ếch có quy mô lớn nhất tỉnh. Ngoài 80 lồng chuyên nuôi ếch thịt với số lượng lên tới gần 70 vạn con, anh còn đầu tư thêm 3 lồng nuôi ếch bố mẹ để sản xuất ếch giống. Trung bình, cứ hai tháng rưỡi anh lại xuất bán một lứa ếch, trọng lượng đạt khoảng 250g/con. Nhờ chất lượng tốt, các thương lái từ Hà Nội đến tận nhà anh thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg. Trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về hơn 500 triệu đồng/năm.

Nhận thấy mô hình nuôi ếch của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong và ngoài xã đã tìm đến học hỏi. Với suy nghĩ cùng giúp nhau làm giàu, anh luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho ếch. Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng mô hình, tập trung làm thêm lồng nuôi ếch bố mẹ để sản xuất ếch giống cung cấp cho thị trường. Có thể nói, ngoài việc tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình, mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới đang mở ra một hướng đi mới trong phong trào phát triển kinh tế ở xã miền núi Minh Quang.

 Thanh Tâm (Tổng hợp)/https://kinhtenongthon.vn