Năm 2016 tiếp tục giảm diện tích trồng lúa

Năm 2016 tiếp tục giảm diện tích trồng lúa
Năm 2015 đã có gần 35.000 héc ta trồng lúa được chuyển sang các loại cây trồng khác, và năm 2016, theo Cục Trồng trọt, sẽ có thêm khoảng 30.000 héc ta diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại hoa màu khác.
 
 
Khi người dân chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu nành hay các loại hoa màu khác sẽ được Chính phủ hỗ trợ 2 triệu đồng/héc ta tiền mua giống - Ảnh: NH

Báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết năm 2015 cả nước chuyển đổi được khoảng 34.600 hec ta trồng lúa sang các cây hoa màu khác có hiệu quả cao hơn như bắp, rau, đậu phộng, dưa hấu, khoai mì (sắn),… Vùng chuyển đổi nhiều nhất là các tỉnh miền Bắc với 16.000 héc ta, tiếp đến là các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là 15.000 héc ta.
 
Hiện Bộ NN& PTNT đã phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020 trong đó mục tiêu năm 2014-2015 chuyển đổi khoảng 260.000 héc ta diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Dự kiến nơi có diện tích chuyển đổi lớn nhất là các tỉnh ĐBSCL, nhưng trong thực tế, diện tích chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang các loại hoa màu khác ở các tỉnh ĐBSCL chỉ có3.600 héc ta năm 2015.
 
Trong báo cáo tổng kết của mình, Cục Trồng trọt cho biết, năm 2016 sẽ có 30.0000 héc ta trồng lúa chuyển sang cây trồng khác, và do đó, sản lượng lúa cả năm 2016 dự kiến vào khoảng 45,19 triệu tấn, giảm 70.000 tấn so với năm 2015.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo (gồm chính ngạch và tiểu ngạch), tức là ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam vẫn còn khoảng 1/3 lượng lúa sản xuất mỗi năm cho xuất khẩu. Việc giảm đi một ít lượng lúa về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến an ninh lương thực mà ở một khía cạnh nào đó còn giúp giảm nguồn cung gạo vốn đang dư thừa.
 
Theo VFA, Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 1 thế giới, đang có trong kho 14 triệu tấn gạo và Chính phủ nước này sẽ phải xuất bán trước năm 2017 nếu không sẽ bán để làm thức ăn chăn nuôi với giá rẻ. Bên cạnh đó những quốc gia khác như Campuchia đang tồn kho khoảng 3 triệu tấn gạo, Ấn Độ là 16,3 triệu tấn gạo và sẽ phải bán ra trong những tháng tới trước khi vào vụ mới.
 
Do đó, nguồn cung gạo không thiếu và có chăng chỉ sụt giảm trong ngắn hạn, vì sau 4 tháng, các nước có thể bù đắp sự thiếu hụt nếu có do thu hoạch vụ mới.
 
Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)