Nan giải với rác thải nông thôn

Nan giải với rác thải nông thôn
Môi trường là một trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều địa bàn dân cư ở Quảng Nam rác thải đã trở thành vấn nạn đáng báo động.

 

Tại Quảng Nam, tình trạng rác thải rắn được đổ bừa bãi có thể thấy ở khắp mọi nơi. Là một xã đảo nhỏ cách biệt với đất liền, vì vậy từ nhiều năm nay xã Tam Hải (H. Núi Thành) đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải sinh hoạt, nhất là những hộ dân gần khu vực tập trung rác. Một vấn đề nữa là hơn 50% hộ dân trên xã đảo đều nuôi tôm thẻ vì vậy rác thải từ bao bì đến nước thải nuôi tôm xả tràn ra khắp nơi. Đi dọc tuyến đường thôn 1 xã Tam Hải, liên tiếp những đầm tôm nằm san sát, nổi lên từng mảng bọt. Đằng sau đó rặng dương liễu phòng hộ được "tận dụng" làm bãi rác, những bao bì thức ăn cho tôm nằm lăn lóc ngổn ngang. Ông Hộ, một người dân thôn 1 cho biết: "Mỗi ngày trung bình một đầm nuôi tôm tiêu tốn khoảng 5 bao tải thức ăn, cả xóm cộng lại đếm không hết. Cái thì đốt, cái thì để đựng đồ còn bao nhiêu vứt cả ra ngoài bãi. Mùa mưa nước tụ lại hôi ghê lắm".

Còn tại cảng Kỳ Hà, đóng trên địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành), một trong những cảng cá lớn của tỉnh Quảng Nam, tình trạng ô nhiễm cũng nặng nề không kém. Có mặt ở cảng cá Kỳ Hà vào sáng sớm khi những chiếc thuyền vừa cập bến mới thấy rõ sự ô nhiễm môi trường diễn ra trầm trọng. Nước thải đổ thẳng xuống biển, những phần cá được sơ chế cùng bao ni-lông vứt bừa bãi. Theo chị Hà (một hộ kinh doanh chợ Tam Quang): "Những ngày nắng thì còn đỡ chứ tới ngày mưa thì bắt đầu bốc mùi tanh không chịu được, chợ lại nằm gần ngay cảng cá nên lượng rác thải tập trung lại càng lớn. Chẳng có ai quản lý hết nên mạnh ai cứ vứt rác bừa bãi". Đi dọc ven cảng Kỳ Hà rất nhiều túi ni-lông các loại nằm ngổn ngang sát mép nước. Hàng trăm tàu thuyền neo đậu quanh cảng cá được dịp xả dầu nhớt nước thải bẩn xuống sông càng làm tăng ô nhiễm.

Một góc cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang) bị ô nhiễm nặng nề.

Không chỉ riêng các xã Tam Hải, Tam Quang, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự nhất là những vùng hẻo lánh chưa có phương tiện thu gom. Nhiều nơi đã thành lập tổ tự quản xử lý rác nhưng do thiếu kinh phí, lực lượng mỏng nên mô hình trên vẫn chưa hiệu quả. Hiện nay mô hình quản lý chất thải rắn mới chỉ được triển khai tại 5 xã gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc), Tam Hiệp (Núi Thành), Tiên Phong (Tiên Phước), Phú Thọ (Quế Sơn). Không có nơi đổ rác người dân tự mang ra đổ ở những nơi công cộng như chợ, bãi, một số khác thì thu gom rồi đốt tại nhà. Chính điều này là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng ô nhiễm bởi một số loại chất thải rắn không thể tự phân hủy được.

Theo đề án quản lý chất thải rắn ở các vùng nông thôn Quảng Nam đến năm 2020 phải xử lý được 90% rác thải sinh hoạt và 100% rác thải y tế. Theo đó, công tác xử lý chất thải phải được xã hội hóa, nâng cao nhận thức của người dân thông qua các mô hình như Tổ, đội thu gom rác do chính địa phương quản lý. Vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định xây dựng Lò đốt rác thải sinh hoạt với công suất 500 kg/ giờ tại xã Tam Hải. Rác thải sẽ được đốt tươi nhằm giảm thiểu số rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn.

Bao bì thức ăn nuôi tôm vứt bừa bãi.

Theo chúng tôi, một thực tế khá rõ hiện nay là ở nông thôn đất đai khá rộng nhưng lại chưa có bãi rác tập trung, chưa có phương tiện chuyên chở nên mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của gia đình mình. Và, đa số đều bừa bãi không đúng nơi quy định. Theo thống kê của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm tại các vùng nông thôn nước ta phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt điều này sẽ dẫn đến những hệ hụy khôn lường nếu không kịp thời khắc phục. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường đó là vấn đề rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Hà Dung
Nguồn cadn.com.vn