Nâng cao chất lượng giống gia cầm

Nâng cao chất lượng giống gia cầm
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn, thách thức. Do đó, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và cung ứng nguồn con giống chất lượng cao cho sản xuất là một trong những biện pháp góp phần bảo đảm chăn nuôi hiệu quả.

Chủ động nguồn giống tốt

Là đơn vị nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống gia cầm có tiếng của cả nước, những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã nghiên cứu, chọn tạo các dòng gà lông mầu, dòng ngan và vịt có giá trị kinh tế, cung ứng ra thị trường hàng trăm nghìn con giống bố mẹ để sản xuất ra hàng chục triệu gia cầm thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng kịp thời cho sản xuất, được các hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp tiếp nhận nhanh chóng, phát triển trên diện rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đóng góp lớn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương. Hệ thống sản xuất giống được thiết lập từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đến các trung tâm giống thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang…

Năm 2017, số lượng con giống được Trung tâm chuyển giao vào sản xuất lớn, gồm: Gà giống là 4.200.591 con, vịt giống là 1.633.121 con, ngan giống là 937.152 con, đà điểu giống là 3.281 con… Một số giống gia cầm chủ lực phát triển tốt như: Gà lông mầu chăn thả hướng thịt (gà LV, gà TP), gà lông mầu hướng trứng (gà Ai Cập, gà HA), gà đặc sản; vịt chuyên thịt (các dòng vịt siêu thịt Super SH, SD); ngan (các dòng V5, V7 và VS)… Cùng với đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho hàng nghìn lượt nông dân trên khắp các vùng, miền cả nước.

Bà Bùi Thị Lan, ở xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) cho biết: “Trang trại của gia đình tôi nuôi hàng nghìn gà trứng HA của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Giống gà này có ưu điểm là tỷ lệ nuôi sống cao, trọng lượng trung bình từ 1,4 đến 1,9 kg/con, có khả năng thích nghi cao, năng suất trứng rất tốt, đạt trên dưới 240 quả/mái/năm. Trứng có mầu sắc trắng hồng, lòng đỏ to, rất thuận lợi về đầu ra cho người chăn nuôi. Nhờ nuôi gà, kinh tế của gia đình và nhiều hộ dân ở các vùng lân cận ngày càng khấm khá”.

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo, chuyển giao giống gia cầm, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã và đang nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn sinh học, thú y phòng bệnh, môi trường chăn nuôi. Đồng thời, từ năm 2015 đến nay đã hợp tác với Công ty Dominant (CH Séc) triển khai đề tài “Nghiên cứu lựa chọn và phát triển hai dòng gà hướng trứng - thịt phù hợp với điều kiện tại Việt Nam”. Kết quả nuôi thử nghiệm sáu tổ hợp lai gà hướng trứng năng suất cao, lựa chọn công thức để nhập hai dòng thuần D629 và D523, với số lượng 600 con mỗi dòng; đã theo dõi được hai dòng gà ở giai đoạn sinh sản đến 68 tuần tuổi. Năng suất trứng của dòng gà D629 đạt hơn 212 quả/mái; dòng gà D523 đạt hơn 235 quả/mái. Trong khi tiêu tốn thức ăn/10 trứng ở dòng gà D523 là 1,86 kg và ở dòng gà D629 là 1,90 kg.

Đa dạng sản phẩm

Hướng tới việc nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo đa dạng các giống gia cầm chất lượng cao chuyển giao vào sản xuất, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiêm cho biết: Năm 2018, Trung tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ đàn giống gốc triển khai thực hiện các dự án, đề tài trọng điểm cấp nhà nước, cấp bộ như nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà lông mầu hướng thịt, hướng trứng cho năng suất, chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, với nội dung: Nghiên cứu chọn lọc tạo tám dòng gà ông bà của bốn giống gà: LV, Mía, Ri, Ai Cập ở thế hệ 1; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia giống gà Ác; nghiên cứu chọn tạo hai dòng ngan từ ngan R41 nhập nội và ngan Trâu Việt Nam; sản xuất thử nghiệm ba tổ hợp lai gà bố mẹ từ ba dòng gà lông mầu VCN/TP-TN1, VCN/TP-TN2 và VCN/TP-TN3; nghiên cứu sản xuất và sử dụng Phức kim loại trong chăn nuôi gà lông mầu hướng thịt... Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai dự án khuyến nông: “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt chuyên thịt VCN/TP-SD, ngan giá trị kinh tế cao VCN/TP-VS7 theo hướng an toàn sinh học trong nông hộ tại đồng bằng sông Hồng”, số lượng 132 hộ tham gia, triển khai ở sáu tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam; tiếp tục phối hợp Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi gà lông mầu hướng trứng và hướng thịt chất lượng cao trong nông hộ”.

Giám đốc Nguyễn Quý Khiêm khẳng định, trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế nhằm phát triển, xứng đáng là cơ sở nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, có tiềm lực khoa học - công nghệ cao; vận dụng sáng tạo những định hướng chiến lược phát triển ngành trong việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững. Đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng con giống ra sản xuất, củng cố thương hiệu Trung tâm.

 

Bài và ảnh: ANH PHƯỜNG/ Nhân dân