Nâng cao giá trị cây bơ: Đột phá từ giống
- Thứ tư - 16/12/2015 21:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giống bơ Booth đã mang lại thu nhập cao cho người dân Tây Nguyên |
Và giống bơ Booth đã đáp ứng được yêu cầu này, đang được người dân Tây Nguyên phát triển mạnh.
Bơ Booth lên ngôi
Ông Cấn Ngọc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) cho biết, nếu như trước kia cây bơ ở Tây Nguyên chủ yếu trồng để làm hàng rào, bóng mát, ít ai quan tâm đến việc trồng bơ kinh doanh, thì gần đây khi người dân đưa giống bơ trái vụ - bơ Booth vào trồng, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Trung bình 1 ha bơ Booth chỉ trồng xen trong vườn cà phê, nhưng mỗi năm người trồng thu hoạch lãi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì giá trị kinh tế bơ Booth hơn các giống bơ bản địa nên khoảng 3 năm trở đây nhà nhà bảo nhau tự trồng bơ Booth.
“Tính đến nay toàn xã có đến khoảng 60 ha bơ, chủ yếu giống bơ Booth được trồng xen trong vườn cà phê và kể cả trồng thuần. Chi phí đầu tư trồng bơ Booth không nhiều, chủ yếu chỉ tốn vài triệu đồng tiền giống.
Vì vậy, chúng tôi khuyến khích nông dân địa phương trồng giống bơ có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê. Bởi lợi ích trồng xen cây bơ trong vườn cà phê không chỉ tăng thêm thu nhập khá cao mà còn giúp vườn cà phê phát triển một cách bền vững, vì cây bơ có tác dụng che bóng, chắn gió cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển, năng suất ổn định”, ông Tiến cho biết thêm.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê rộng chừng 2 ha có trồng xen bơ Booth của gia đình anh Huỳnh Văn Dũng, thôn Tân Tiến, trong đó có đến 100 cây bơ đã cho thu hoạch, còn lại 300 cây mới trồng vào đầu năm ngoái và năm nay.
Anh Dũng cho biết, sở dĩ anh mở rộng diện tích bơ Booth bởi thời gian qua cây trồng này đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Với 100 cây bơ Booth trồng năm 2001 bắt đầu cho thu hoạch kể từ năm 2005, mỗi năm anh thu nhập từ 200-350 triệu đồng.
Anh Dũng cho biết, bơ Booth là giống bơ chín muộn được nhập khẩu từ Mỹ, mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 10 đến 12, muộn hơn bơ chính vụ từ 2-3 tháng, quả to và đều, ruột vàng, giá bán gấp 3-4 lần giống bơ bản địa, giá trị dinh dưỡng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hơn nữa giống bơ này còn thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu vùng Tây Nguyên.
Nhiều nông dân trong tỉnh tìm hiểu trồng bơ Booth trong vườn cà phê. Như gia đình anh Nguyễn Văn Minh, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tiến hành trồng 35 cây bơ Booth xen trong 6 sào cà phê nhà mình. Gặp chúng tôi, anh Minh cho biết, anh mua giống bơ Booth này tại cơ sở SX giống uy tín ở Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, với giá 35.000 đồng/cây. Nếu đầu tư chăm sốc tốt thì khoảng 3 năm sau những cây bơ này sẽ cho trái bói.
Thịt bơ Booth cơm vàng, dẻo ngon
15-03-24_thit-bo-booth-com-vng-deo-ngon-1
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk cho biết, những năm gần đây, cây bơ phát triển khá mạnh, người dân chủ yếu là trồng xen trong cà phê. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 ha cà phê có trồng xen bơ, với mô hình này, trên 1 đơn vị diện tích người trồng có thể thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Cây bơ Booth đang mở ra triển vọng mới cho người nông dân. Tuy nhiên người trồng cũng cần thận trọng, tránh theo phong trào dẫn đến sản lượng dư thừa, mất giá rồi lại chặt cây.
Hút hàng
Ông Nguyễn Văn Tiến, một chủ vựa bơ Booth ở TP Buôn Mê Thuột, cho biết, những năm gần đây bơ Booth được thị trường các thành phố lớn như Hà Hội, TP.HCM và Đà Nẵng ưa chuộng.
Mặc dù giá bán bơ Booth trên thị trường lên đến hàng trăm ngàn đồng/kg, nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh bởi chất lượng thơm, ngon và bổ dưỡng. Vì vậy khi giống bơ này bước vào mùa thu hoạch, mỗi ngày cơ sở ông thu mua và đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc hàng chục tấn vẫn không đủ hàng cung cấp.
Cũng theo ông Tiến, bơ Booth được trồng nhiều ở các huyện như Krông Ana, Cư M’gar và TP Buôn Mê Thuột. Tuy nhiên để có hàng cung ứng, thông thường các cơ sở đều có lái buôn khắp nơi xuống tận vườn dân để đặt cọc tiền trước thu mua cả vườn mặc dù quả còn non.
Anh Lê Hồng Công, thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, một người trồng bơ Booth cho biết, từ mấy tháng trước đã có thương lái tới tận vườn nhà anh hỏi mua non, chứng tỏ loại bơ này rất hút hàng.
“Năm nay 90 cây bơ Booth 6 năm tuổi của nhà tôi ra quả rất sai, đang chuẩn bị thu hoạch. Do tôi không có thời gian túc trực thường xuyên chăm sóc nên đã “bán non” vườn bơ cho thương lái với số tiền tổng cộng 350 triệu đồng. Sau khi họ thu hoạch xong thì sẽ trả lại vườn cho mình chăm sóc”, anh Tiến chia sẻ.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT NLN Tây Nguyên: Giống bơ Booth đã được Cty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmat (Viện KHKT NLN Tây Nguyên) làm thủ tục đăng ký vườn giống đầu dòng để nhân giống bán ra thị trường từ năm 2011. Đây được xem là khâu hết sức quan trọng khi bổ sung nguồn vật liệu giống mới có chất lượng tốt nhằm dần thay thế những giống năng suất thấp, chất lượng kém, góp phần nâng cao năng suất và đặc biệt là chất lượng cho cây bơ tại Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc nhân rộng các giống bơ mới đã được công nhận thông qua hình thức ghép sẽ giữ nguyên được đặc tính di truyền của giống, tuy nhiên vẫn chưa có một quy trình nhân giống nào được nghiên cứu và công nhận, vì vậy rất cần có quy trình nhân giống bơ chính thức được công nhận là thiết thực và cần thiết, phục vụ trực tiếp cho sản xuất cây giống đạt chất lượng tốt. |