Nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt

Nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng (trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 và các hoạt động liên quan từ ngày 5 – 28/2/2018) Bộ Công Thương đánh giá: “Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và làm quen với kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản xuất được những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng trên thị trường ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam”.
 

Song hành thuận lợi và khó khăn

“Năm 2016 - 2017, kinh tế thế giới có biểu hiện phục hồi rõ nét hơn. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu đều đạt mức tăng trưởng khả quan; hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu có sự cải thiện; chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tăng lên tại nhiều thị trường .. là những yếu tố tác động tích cực đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta”- Báo cáo ngày 7/2/2018 của Bộ Công Thương tại Hội nghị Tham tán 2018 (tại Hà Nội) cho biết các tín hiệu khả quan.

Bên cạnh đó, không ít khó khăn về thị trường cũng được chỉ ra, đó là: Các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là sự chuyển hướng trong chính sách thương mại của một số nước lớn, đã gây ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế Việt Nam- một nền kinh tế có độ mở lớn.

Trong nước, bên cạnh những vấn đề tồn tại nhiều năm, như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp... thì sự trì trệ của ngành khai khoáng cùng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng đã đặt ra những thách thức to lớn cho mục tiêu tăng trưởng của cả nước.

Trước những thuận lợi và khó khăn như vậy, kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 - 2017 vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/ năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD...

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu trong 2 năm vừa qua vẫn tồn tại những hạn chế. Chẳng hạn, xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối FDI (chiếm tới trên 70% kim ngạch xuất khẩu). Dù các doanh nghiệp trong nước đã có nhiều nỗ lực (nhất là nỗ lực đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thế giới), nhưng lĩnh vực này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động xuất khẩu.

Trong khi nông sản, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, một số mặt hàng có mức tăng trưởng rất ấn tượng (như rau quả, gạo), song mức tăng chưa bền vững, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Sôi động hợp tác quốc tế lĩnh vực công nghiệp

Trong 2 năm vừa qua, hầu hết các dự án trọng điểm trong ngành công nghiệp đều có dấu ấn của các hoạt động hợp tác quốc tế. Riêng ở lĩnh vực năng lượng, với sự hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm của nguồn vốn hợp tác ODA, Việt Nam đã triển khai được nhiều dự án năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Công Thương, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và làm quen với kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao; qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản xuất được những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng trên thị trường ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý là thông qua hợp tác quốc tế và cạnh tranh, một số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam đã có sự trưởng thành đáng kể, bước đầu có hoạt động đầu tư ra thị trường ngoài.

“Hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế về công nghiệp - năng lượng của nước ta đang ngày càng trở nên sôi động. Là đại diện của Bộ Công Thương tại tuyến đầu, nhiệm vụ của Thương vụ và cán bộ Thương vụ là rất nặng nề”- đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh trong cuộc gặp và hội thảo với các Thương vụ đầu tháng 2/2018.

Thời gian tới hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia sẽ tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng mà các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh.

Dành ưu tiên cao cho các thị trường mới để góp phần thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực, cân bằng hơn giữa các khu vực. chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ. Lưu ý các thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để đề xuất các giải pháp phù hợp giúp tăng xuất khẩu; kiểm soát hợp lý nhập khẩu, giảm dần, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.

Cùng với đó, hoạt động Thương vụ phải quan tâm thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế; thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới. chú trọng đầu tư công nghiệp hỗ trợ và chú trọng các dự án hợp tác có thể giúp nâng cao sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. 

Theo Thạch Thảo/giaoducthoidai.vn