Nâng tầm giá trị nông sản Việt (
- Thứ tư - 10/09/2014 23:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều loại hoa quả đặc sản của Việt Nam
được thị trường quốc tế ưa chuộng
Ảnh: Hoàng Long
Vải, nhãn Việt Nam bước chân sang thị trường Mỹ
Chỉ dẫn địa lý đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. (Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng) |
Tuy nhiên, để nhập khẩu vào thị trường khó tính này, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra hàng loạt các điều kiện khá ngặt nghèo đối với các loại sản phẩm nhãn, vải của Việt Nam. Đây chính là những thách thức không nhỏ cho các sản phẩm nông sản Việt. Bởi lâu nay, hầu hết các sản phẩm nông sản chỉ được các hộ nông dân sản xuất theo phương thức nông hộ, nhỏ lẻ, đa số chỉ trồng theo kinh nghiệm, ít tuân thủ quy trình kỹ thuật nên khó tránh được tình trạng sâu bệnh, mất mùa…
Đó là lý do vì sao Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản đặc thù song, hầu hết các sản phẩm chưa thể gây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.
Trên thực tế, để bước chân ra được thị trường thế giới và giữ vững được thương hiệu của mình không dễ , đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Mặc dù là một quốc gia chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hầu như chỉ được xuất khẩu thô, điều này cũng đồng nghĩa, các sản phẩm nông sản Việt sẽ khó có thể gây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Hiện nay, thế giới chỉ biết đến một số rất ít thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Mê Thuột… còn lại gạo Hải Hậu, quế Yên Bái, tiêu Quảng Trị, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn…vẫn chỉ loanh quanh trong nước, chưa thể vươn xa được.
Vậy, đâu là công cụ để giúp các sản phẩm nông sản của Việt Nam giữ được "bản quyền” cũng như đưa thương hiệu của các sản phẩm đó vươn xa ra thị trường quốc tế, được thị trường thế giới biết đến?
Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác ở tình trạng xuất thô nên giá rất thấp, trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu lại gắn nhãn mác của nước họ vào để rồi bán được giá cao gấp nhiều lần. Thực trạng này đã và đang gây ra những bất lợi lớn về kinh tế cho các DN Việt Nam, quan trọng hơn, người nông dân – đối tượng trực tiếp làm ra sản phẩm lại chỉ được hưởng giá trị thấp, không phù hợp với công sức lao động của họ.Khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ), Chỉ dẫn địa lý sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương. "Đồng thời đây cũng là "tấm lá chắn” bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ của các DN khi tham gia thị trường trong nước cũng như quốc tế”, ông Dũng lưu ý.
Sắp tới, quả vải Việt Nam sẽ bước chân vào thị trường Mỹ
Cơ hội mới
Phân tích sâu hơn về khái niệm Chỉ dẫn địa lý (có lẽ vẫn còn khá xa vời đối với nhiều DN Việt Nam hiện nay) ông Dũng cho biết, DN khi có thương hiệu, gắn nhãn chỉ dẫn địa lý sẽ tăng niềm tin cho người tiêu dùng lên gấp nhiều lần. Người tiêu dùng khi mua một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, họ biết sản phẩm được xuất xứ thực từ khu vực nào, và chắc chắn các sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn, chất lượng như đã đăng ký và được cơ quan giám sát thông qua. Theo ông Dũng, các sản phẩm khi được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như sản phẩm đã được gắn "tem đảm bảo” về chất lượng, xuất xứ. Do vậy, niềm tin của người tiêu dùng sẽ tăng lên.
Mặc dù chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích cho DN và Việt Nam hiện đã có 38 sản phẩm đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đứng thứ hai trong các nước ASEAN, song theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay việc khai thác, quảng bá chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vẫn đang còn rất nhiều hạn chế. Vẫn theo ông Dũng, năng lực quản lý và quảng bá sản phẩm hiện đang rất yếu. Do các hiệp hội, DN thiếu kinh phí, cùng với đó, là tình trạng các hiệp hội không mấy mặn mà do chưa nhận thức được hết lợi ích mà bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại. Bên cạnh đó, năng lực của các cấp kiểm soát cũng thiếu và yếu…
Tại hội thảo Hội thảo Sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc dành cho các nước thuộc ASEAN do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) diễn ra mới đây, bà Francesca Toso, Chuyên gia cao cấp của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khuyến cáo, khi một quốc gia cam kết phát triển hệ thống chỉ dẫn địa lý và có sự thành công của một sản phẩm nào đó, chắc chắn quốc gia đó sẽ mở rộng được hệ thống này với hàng loạt các sản phẩm khác nữa. Đây là một phần của chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ mà hầu hết các nước đều đang hướng tới. Việt Nam khi tham gia mục tiêu này sẽ không chỉ phát triển, đa dạng hóa được các sản phẩm mà còn thúc đẩy xuất khẩu liên kết quốc tế với các nước trên thế giới. "Rồi đây, thế giới sẽ biết đến các sản phẩm nông sản của Việt Nam nhiều hơn!”, bà Francesca Toso khẳng định
Theo daidoanket.vn