Ngành nghề đào tạo cần theo yêu cầu sản xuất của nông dân

Ngành nghề đào tạo cần theo yêu cầu sản xuất của nông dân
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp tập trung triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.Ảnh: TTXVN

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp tập trung triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm nhất là các đơn vị, doanh nghiệp đang xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết sản xuất và xây dựng cánh đồng lớn.

Đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề nông nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp sát với thực tế ở địa phương theo phương châm gắn nhu cầu đăng ký của người học với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối tượng chính sách; có giải pháp hữu hiệu để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân sau học nghề nông nghiệp.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề; các mô hình dạy nghề có hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi, nông dân đã thành công sau học nghề; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chủ động làm việc với các địa phương để triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân gắn với các ngành, nghề đào tạo, cơ sở thực hành, mô hình sản xuất của nhà trường.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng sớm hoàn chỉnh kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho các địa phương, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đào tạo nghề nông nghiệp cho các địa phương và các trường đạo tạo nghề thuộc Bộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho nông dân đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Người học nghề nông nghiệp có thu nhập ổn định, biết áp dụng nghề đã học vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra những nông sản có chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nông dân sau khi học nghề nông nghiệp chưa biết áp dụng nghề đã học vào sản xuất do không nắm đủ kiến thức, tay nghề để thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người học và ngân sách Nhà nước; công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức./. 
 

Theo Khánh An/BNEWS/TTXVN