Ngành nuôi tôm Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển
- Thứ năm - 23/08/2018 08:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội nâng tầm cho ngành tôm vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục ngay. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam đến năm 2025” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/8.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Nhiều điều kiện phát triển
TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.
Cụ thể, diện tích đất có thể nuôi tôm là trên 700.000 ha. Thời tiết Việt Nam có thể nuôi tôm quanh năm là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến duy trì hoạt động thường xuyên. Về năng suất nuôi tôm của Việt Nam hiện đang ở ngưỡng trên trung bình thế giới và còn nhiều dư địa để nâng cao trong thời gian tới. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều trang trại nuôi tôm trình độ cao, đạt các chuẩn nuôi quốc tế như ASC, BAP…
Đối với chế biến, Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Việt Nam cũng có nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương …với trình độ chế biến hàng tinh chế thuộc ngưỡng cao trên thế giới.
Thêm vào đó, người nuôi tôm Việt Nam rất cần cù, chịu khó ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các mặt hỗ trợ như hệ thống nhà máy thức ăn cho tôm không ngừng mở rộng công suất, đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu nuôi tôm. Các cơ sở sinh sản nhân tạo tôm giống cũng được phát triển về quy mô với khả năng cung ứng lên tới 100 tỷ con tôm con.
Về chính sách, chưa bao giờ Chính phủ và các doanh nghiệp lại quan tâm đến vấn đề nuôi tôm như hiện nay. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có nhiều chương trình kiểm soát yếu tồ đầu vào nhằm quản lý rủi ro cho ngành nuôi tôm, tăng cường khuyến cáo tình hình dịch bệnh, giá cả đến người nuôi.
Bên cạnh những lợi thế về sản xuất, ngành tôm cũng đang có nhiều cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới có xu hướng gia tăng. Ông Phạm Hữu An, Giám đốc Công ty An Lộc Nguyên cho biết, nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2020 là 5.200.000 tấn, đến năm 2025 sẽ là 6.525.000 tấn; trong đó, nhu cầu tôm của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản cũng liên tục tăng và sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào hai trị trường này còn rất khiêm tốn. Năm 2017, sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu nhập khẩu tôm của quốc gia này. Đối với Nhật Bản, một thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu nhập khẩu.
Xét về chủng loại, tôm thẻ chân trắng chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ, tôm chì biển chiếm 7% và tôm sú 4%. Ở Nhật Bản tôm sú là sản phẩm truyền thống được ưa chuộng tại Nhật nhưng xu hướng này có khả năng thay đổi khi sản lượng tôm sú giảm và giá thành tăng cao.
Trong khi đó, trình độ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam khá cao, sản lượng mỗi năm lên tới 350.000 tấn. Đồng thời, có nhiều tiềm năng có thể phát triển nuôi tôm sú. Do đó, dư địa để xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ và Nhật Bản là rất lớn.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Tuy đánh giá triển vọng xuất khẩu của ngành nuôi tôm Việt Nam trong thời gian tới khá tươi sáng, TS. Hồ Quốc Lực cho rằng, vẫn còn những khó khăn, thách thức cần khắc phục. Đó là tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ với quy mô manh mún do phân tán đất sản xuất.
Ngành nuôi tôm của Việt Nam tập trung ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên qua nhiều thế hệ nông dân ở đây có truyền thống phân chia đất đai cho con cháu dẫn đến thu hẹp diện tích sở hữu của mỗi người.
Trong khi đó, nếu nuôi tôm diện tích nhỏ, người nuôi rất khó bố trí đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo khuyến cáo để quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn vốn, người nuôi không có khả năng tiếp cận đầu vào có chất lượng cao nên đành chấp nhận các đầu vào kém chất lượng. Hậu quả không chỉ là tăng rủi ro cho người nuôi mà cả doanh nghiệp chế biến cũng khó kiểm soát được chất lượng nguyên liệu chế biến.
Theo TS. Hồ Quốc Lực, hai yếu tố hàng đầu đảm bảo sự thành công trong việc nuôi tôm là chất lượng con giống và nguồn nước. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước do quy hoạch hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện. Hơn nữa, tại Việt Nam hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất tôm giống (khoảng 1.700 cơ sở) nên việc kiểm soát chất lượng con tôm giống và tôm bố mẹ chưa được chặt chẽ.
Bên cạnh đó, ngành nuôi tôm Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng khu vực này còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông khiến quá trình vận chuyển sản phẩm kéo dài làm giảm chất lượng thủy sản và tăng chi phí phát sinh. Một vấn đề khác là chi phí nuôi tôm ở Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trong khu vực do giá con giống, thức ăn đều cao, chi phí chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức cao.
Ngành chế biến tôm là ngành khá vất vả nên khó thu hút lao động, vào vụ sản xuất, các doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng phải tăng chi phí lao động. Tất cả những thách thức về chi phí khiến cho con tôm của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cùng nhận định, TS. Hoàng Tùng, Chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu Khoa học công nghệ Australia cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển ngành nuôi tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD cần phải cải thiện toàn bộ quy trình nuôi từ chất lượng tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, lợi khuẩn.
Đồng thời phải có giải pháp giảm chi phí sản xuất và gia tăng các sản phẩm có giá trị cao để khai thác tốt cả phân khúc thị trường trung bình, cạnh tranh trực tiếp về giá và các thị trường ngách chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm chất lượng.
Theo TS. Hoàng Tùng, việc áp dụng công nghệ để hạ giá thành sản xuất là cần thiết, bên cạnh đó ngành nuôi tôm Việt Nam cũng phải chú ý đến quản lý sản xuất. Hơn nữa, nuôi tôm phải được coi là một hoạt động kinh doanh chứ không phải sản xuất đơn thuần. Do đó người nuôi tôm phải có thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả, xu hướng để có sự đầu tư phù hợp.
Đối với vấn đề thị trường, ông Jiro Takeuchi, Giám đốc Công ty Bonmea Gmb cho rằng, những thị trường chiến lược của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU đều là những quốc gia có sự kiểm soát chặt chẽ đối với vấn đề dư lượng kháng sinh và an toàn thực phẩm. Bên cạn đó, các thị trường này cũng đòi hỏi các chứng nhận về các vấn đề môi trường, xã hội, an toàn thực phẩm.
Vì vậy, muốn khai thác tốt các thị trường xuất khẩu, Việt Nam phải tăng số lượng trại nuôi, nhà máy chế biến được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và đáp ứng các tiêu chuẩn của các hệ thống bán lẻ quốc tế.
Theo ông Jiro Takeuchi, Việt Nam cũng cần đầu tư lớn vào các trại nuôi tôm siêu thâm canh được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ, tăng sản lượng tôm không sử dụng hóa chất và thuốc cũng như các sản phẩm chế biến chất lượng cao để hướng khách hàng phân khúc cao. Nói cách khác, sản xuất thực phẩm an toàn và bền vững là điều kiện quan trọng để mở rộng thị trường trong tương lai./.
>>>Nhiều rào cản kỹ thuật, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc gặp khó
Xuân Anh/TTXVN