Ngày Xuân vãn cảnh đền Đức Mẹ
- Thứ ba - 04/02/2020 08:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phía ngoài cổng đền Đức Mẹ
Đền Đức Mẹ là ngôi đền cổ có từ thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Đền khởi thủy là một hòn đá thiêng gọi là Thạch Bàn Nhẫn nằm trên núi Phượng Hoàng (núi Phượng Hoàng là một phần của núi Thiên Nhẫn), bên bờ sông Ngàn Phố. Nơi đây người dân thường xuyên đến thắp hương, rồi dần dần trở nên linh ứng. Ngoài thờ Thạch Bàn Thiên Nhẫn, đền còn thờ thêm Tam Tòa Thánh Mẫu Liễu hạnh công chúa. Liễu hạnh công chúa linh thiêng trở thành thành hoàng bảo trợ cho người dân muôn nơi. Bài vị đặt tại đền có nội dung: “ Đương cảnh thành hoàng Liễu Hạnh thánh mẫu, lịch triều sắc phong, kim triều gia phong trang ý dực bảo trung hưng xựng điện đằn trật thượng đẳng thần vị”.
Đến đời vua Thành Thái niên hiệu năm thứ 6 (1894) nhà vua sắc phong đầu tiên phong cho thánh mẫu Liễu Hạnh thờ ở đền Đức Mẹ là: “Hoằng phi phổ độ anh linh tịnh chính diệu hóa trang trưng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần ”.
Liễu Hạnh công chúa là con gái của Lê Thái dòng dõi vua Lê Thái Tổ, ông có hai người con, một trai và một gái. Người con trai chăm chỉ học hành, học giỏi thi đỗ đạt cao ra Quốc Tử Giám ăn học. Người con gái tên là Giáng Tiên được sinh hạ vào ngày tiên đế giáng sinh, có tài thơ văn, nhưng không thể ở với gia đình quá 21 tuổi. Lo cho số phận của con, ông bèn đưa con đến nhà ông Trần Công ở An Thái, Vụ bản (Nam Định) xin cho con gái mình được làm con nuôi. Sống được một thời gian Giáng Tiên làm quen với người láng giềng là Đào Lang. Đêm đêm qua đàm đạo thơ văn và trở nên thân thiết rồi yêu nhau rồi hai người thành vợ chồng, có con và hình thành nên một gia đình êm ấm. Một lần nàng theo chàng ra kinh thành dự thi, nàng bị cuốn hút bởi chốn phồn hoa đô thị, trong khi chống lêu lỏng không chịu học hành để chuẩn bị thi cử, nàng bỗng thấy buồn chán, Giáng Tiên liền tìm đến những nơi phong cảnh đẹp để hưởng chút thảnh thơi, khi đi qua Truông gió trên dãy núi Hồng Lĩnh, nàng gặp một thư sinh tên là Nguyễn Phán mồ côi cha mẹ, nhà rất nghèo nhưng ngày đên vẫn miệt mài kinh sử, hai người làm quen rồi lấy nhau không cần người mối lái. Khi nhà vua mở khoa thi, Nguyễn Phán đi thi và đỗ đại khoa, được bổ vào Hàn Lâm Viện, Giáng Tiên đã sinh cho chàng 2 người con trai, chẳng được bao lâu Giáng Tiên đột ngột qua đời, người chồng đau xót cáo quan về quê nuôi dạy hai con.
Bên trong đền Đức Mẹ
Chuyện khác, vào thời Hữu Mạt (1557) khi hai vợ chồng Lê Thái đã ngoài 40 tuổi mà không có con, Một hôm trong khi mơ thấy tiên chủ Quỳnh Nương đánh rơi chén làm vỡ chén ngọc và bị trừng phạt đầy xuống hạ giới. Tỉnh dậy, ông thấy vợ mình sinh hạ ra một người con gái đặt tên là Giáng Tiên, lớn lên Giáng Tiên giỏi văn chương rồi kết bạn và lấy Đào Lang được ba năm nàng lại bay về trời.
Vì nặng nợ với hạ giới, một lần nàng xin Ngọc Hoàng cho nàng được ra đi, Lần này với danh hiệu là Liễu Hạnh công chúa, nàng cùng Thị Nương và Quế Nương đã xuống hạ giới cứu khổ, cứu nạn giúp đỡ nhân dân thoát khỏi nhiều tai ương, nhân dân lập đền thờ gọi là đền thờ công chúa Liễu Hạnh.
Tại đền Đức mẹ, nhân dân vùng Sơn Thịnh đã xây đền thờ xuất phát từ những phong tục tập quán và tín ngưỡng thờ mẫu sau mỗi chuyến di dân.
Hàng năm cứ đến ngày mồng 3 tháng 3 (âm lịch) nhân dân vùng Văn Giang và Thịnh xá, xã Sơn Thịnh tổ chức các hoạt động lễ hội tại đền Đức Mẹ vào giờ Dần (từ 5 giờ đến 7 giờ sáng)
Đền Đức Mẹ nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng, dựa lưng vào dãy núi Thiên Nhẫn “ như muôn ngựa phi” , phía trước và bền hữu nhìn xuống đồng ruộng bao la, phía tả là con sông Ngàn Phố lượn lờ. Đền ngoảnh về hướng Nam chếch Tây, tọa lạc trong khuôn viên trên 4 nghìn mét vuông, gồm các hạng mục: miếu trình, hệ thống cổng, nhà đón tiếp, hạ điện, bàn thờ ngoài trời, miếu cô, niếu cậu, cung thượng và thượng điện.
Đền Đức Mẹ là di tích lịch sử - văn hóa có từ lâu đời mang giá trị lịch sử văn hóa thông qua việc thờ thánh mẫu Liễu Hạnh; là nơi đón du khách thập phương đến thắp hương nhằm thỏa nãm tâm linh (có thờ có thiêng) của các tầng lớp nhân dân.
Đến thắp hương tại đền Đức mẹ ta có thể đến các di tích lân cận như: thành Lục Niên, chùa Thịnh Xá - đền Bạch Vân, Cơ sở ân loát tài chính quốc gia, đền Gôi vị, đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện tạo thành một tua du lịch văn hóa đầy hấp dẫn đón du khách thập phương./.
Lê Nhật Tân/ http://huongson.hatinh.gov.vn/