Nghệ An: Dân trải bạt nuôi tôm
- Thứ hai - 27/02/2017 10:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để phòng dịch bệnh cho tôm, các hộ nuôi tôm sử dụng lưới che chắn xung quanh bờ ao, ngăn cua, còng từ ngoài vào. Ảnh: Quang An |
Ông Hồ Đức Luyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên cho biết: Địa phương có 25 ha ao đầm nuôi tôm tập trung và khoảng 8 ha ao nuôi rải rác. Trước khi bước vào vụ nuôi tôm, địa phương giao cho cán bộ nông nghiệp thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền bà con chủ động xử lý nước, ao đầm theo đúng quy trình.
Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư sử dụng công nghệ nuôi tôm mới bằng bạt chống thấm để lót đáy ao. Vụ này đã có 6 hộ đầu tư mua bạt chống thấm, với diện tích khoảng 16 ha. Theo ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng. Nhưng cũng có những vụ nuôi, mất cả chục tỷ đồng vì dịch bệnh.
Với cách nuôi trải bạt đáy ao đã đem lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh và thuận lợi trong xử lý nguồn nước nên trên địa bàn huyện, đã có khoảng 150/465 ha được thực hiện theo phương thức này.
Người nuôi tôm ở các địa bàn ven biển đang tích cực xử lý nguồn nước, cải tạo ao đầm, sửa chữa hệ thống điện, quạt nước… để thả con giống vụ nuôi thứ nhất trong năm 2017. Anh Nguyễn Anh Tuấn, ở xóm 11, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu bộc bạch: “Nghề nuôi tôm sợ nhất là dịch bệnh, hàng trăm triệu đồng đổ xuống ao đầm, nhỡ xảy ra dịch bệnh là trắng tay.
Do vậy, công tác phòng dịch, xử lý ao đầm trước khi thả con giống là một trong những khâu quan trọng”. Học hỏi kinh nghiệm của người bạn trong vùng, năm nay, anh quyết định đầu tư 600 triệu đồng, mua loại bạt đen chống thấm nước để lót đáy, bờ ao.
Loại bạt này cứng, dày, được thợ hàn múi rất chắc, nên có thể sử dụng được 10 năm, nhưng giá thành lên đến 29.000 đồng/m2. Biết chi phí cao, nhưng gia đình anh vẫn vay vốn đầu tư mong sao hạn chế được dịch bệnh cho tôm. Với cách trải bạt này, chủ đồng tôm không cần phải xử lý ao đầm bằng rắc vôi, phơi đáy như trước.
Người nuôi tôm xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) sử dụng bạt chống thấm lót đáy ao để phòng dịch bệnh cho tôm. - Ảnh: Xuân Hoàng |
Tại thị xã Hoàng Mai, người nuôi tôm ở các xã, phường luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm, đặc biệt là quy trình xử lý ao hồ, nguồn nước trước khi thả con giống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên hàng năm vẫn có hiện tượng tôm bị dịch bệnh.
Giải pháp sử dụng bạt chống thấm để lót đáy ao, được nhiều hộ áp dụng, mang lại hiệu quả thực sự. Vụ tôm thứ nhất năm 2017, toàn thị xã có khoảng 20% tổng diện tích được áp dụng công nghệ lót đáy ao bằng bạt chống thấm.
Còn ở huyện Diễn Châu, việc sử dụng công nghệ lót bạt chống thấm đáy ao được thực hiện vài năm nay. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện khẳng định: Việc sử dụng bạt chống thấm để nuôi tôm trên cát đã khai thác tiềm năng vùng ven biển rộng lớn của huyện trong những năm qua.
Do hạn chế được dịch bệnh, nên hiện nay bà con tiếp tục đầu tư, gần 100% diện tích ao đầm nuôi tôm trên địa bàn huyện áp dụng công nghệ lót bạt chống thấm để phát triển một cách bền vững nghề nuôi tôm trên vùng đất cát.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có 650 ha nuôi tôm thâm canh, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa… Ngoài ra, có 8 cơ sở sản xuất tôm giống tập trung ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh. Ảnh: Việt Hùng |
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh khuyến cáo: Để phòng dịch bệnh cho tôm, trước khi thả con giống, các hộ nuôi tôm cần xử lý ao hồ theo đúng quy trình kỹ thuật, theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng và thả con giống đúng theo lịch thời vụ của Sở NN & PTNT. Hàng ngày, theo dõi để kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường và xử lý theo quy trình.
Nuôi tôm phải đảm bảo mọi công đoạn an toàn, sạch sẽ. Bên cạnh chú ý ao đầm, phải kiểm soát thức ăn đúng quy trình; chăm lo nguồn nước, định kỳ khoảng 5 - 7 ngày diệt khuẩn trực tiếp trong ao nuôi tôm một lần; hàng tháng bổ sung cho tôm ăn vitamin C và khoáng chất với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Quá trình nuôi, ngăn chặn không cho tôm, cua, còng và giáp xác khác vào ao nuôi. Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên cùng các hộ kiểm tra ao nuôi, khuyến cáo các hộ nuôi lấy mẫu kiểm tra định kỳ để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.