Nghệ An: Hỗ trợ gấp 4 lần đối với xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới

Nghệ An: Hỗ trợ gấp 4 lần đối với xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới
Về dự thảo phương án phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2017 của tỉnh Nghệ An với chủ trương ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo.

Dân quân tự vệ xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) tham gia giúp nhân dân làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới. Ảnh: P.V
Dân quân tự vệ xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) tham gia giúp nhân dân làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu P.V
Sáng 13/6, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp chuyên đề tháng 6 để nghe và cho ý kiến về việc phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2017 và thông qua một số dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh. Đồng chí Lê Xuân Đại – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Theo đó, xã vùng ĐBKK, biên giới hải đảo theo Nghị quyết 100/2015/NQ13, được hưởng mức kinh phí hỗ trợ gấp 4 lần so với đối tượng xã không ưu tiên. Tương đương 8 tỷ 385 triệu đồng/4 năm; Năm 2017, hỗ trợ 1 tỷ 300 triệu đồng (Theo công thức tính cho 255 tỷ đồng thì các xã này được 1 tỷ 318 triệu đồng/xã).

Năm 2016, toàn tỉnh có 152 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã. Phấn đấu đến hết năm 2017: Có thêm 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Bình quân toàn tỉnh tăng 1-2 tiêu chí/1 xã (trừ 152 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới); Bình quân đạt 14,2 tiêu chí/xã.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nguyên Sơn
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nguyên Sơn

Để đạt các mục tiêu đề ra tỉnh tập trung triển khai các nội dung ưu tiên của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới như: đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu (các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch, giao thông); đổi mới và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần văn hóa ở nông thôn; củng cố hệ thống chính trị, xã hội vững mạnh và đảm bảo an ninh trật tự.

Cùng đó, tiếp tục tuyên truyền và biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày dự thảo phân bổ kinh phí hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyên Sơn
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày dự thảo phân bổ kinh phí hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyên Sơn

Việc ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Xã dưới 05 tiêu chí và các xã còn lại.

Năm 2016 Trung ương hỗ trợ Nghệ An 348 tỷ 400 triệu đồng (Trong đó: vốn TPCP hỗ trợ đầu tư phát triển là 217 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 131 tỷ 400 triệu đồng); Tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ kế hoạch làm đường giao thông nông thôn thông qua hỗ trợ xi măng và thưởng các xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016 là 187 tỷ 190 triệu đồng. Nhờ đó đã khuyến khích, động viên được các địa phương dấy lên phong trào trong toàn tỉnh. Ngân sách huyện huy động được: 191 tỷ 929 triệu đồng; ngân sách xã huy động được: 187 tỷ 831 triệu đồng; nhân dân đóng góp: 785 tỷ 628 triệu đồng. Cùng đó có vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; vốn tín dụng; vốn doanh nghiệp. Tổng số vốn huy động, lồng ghép để thực hiện Chương trình trong năm 2016 là 3.666 tỷ 481 triệu đồng.

Các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí thông qua tờ trình việc đề nghị phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2017. Đồng chí Lê Xuân Đại lưu ý ngành nông nghiệp cần tham mưu phương thức phân bổ kinh phí phù hợp hơn với thực tế, nhất là đối với các xã 30A để các xã sớm triển khai xây dựng nông thôn mới.

Cũng trong cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trình HĐND tỉnh về lệ phí cấp giấy phép cho lao động nước ngoài lao động trên địa bàn Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi về mức thu phí bảo vệ tài nguyên môi trường trong khai thác khoáng sản; dự thảo Nghị quyết bổ sung về tỷ lệ % phân chi các nguồn thu trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Nguyên Sơn

Nguồn tin: www.baonghean.vn