Nghệ An: Phụ nữ khởi nghiệp nhờ mô hình kinh tế tập thể

Nghệ An: Phụ nữ khởi nghiệp nhờ mô hình kinh tế tập thể
Xã Nam Anh là xã bán sơn địa có diện tích trồng sắn dây lớn nhất huyện Nam Đàn, Nghệ An. Do đó trong xã có nhiều hộ sản xuất tinh bột sắn dây và tinh bột nghệ. Tuy nhiên, các hộ gia đình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm khó tiêu thụ.

Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Dự án Đa dạng hóa sinh kế (gọi tắt là JIKA) của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn (gọi tắt là VIRI), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nam Anh đã khuyến khích, động viên các hội viên chuyên trồng và chế biến sắn dây và tinh nghệ đăng ký tham gia dự án.         Từ đó, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN xã Nam Anh thành lập Tổ Hợp tác sản xuất tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây tại xóm 5. Các thành viên của Tổ hợp tác được Tổ chức JIKA Nhật Bản tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm sắn dây nhiêu hương vị như sắn dây nguyên chất, sắn dây hương chanh, sắn dây hương gừng… để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Dưới sự hướng dẫn về mặt hồ sơ pháp lý của Viện VIRI, Tổ Hợp tác đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và mã vạch sản phẩm cho sản phẩm bột sắn dây của mình. Các thành viên được cung cấp trang thiết bị như quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, trang bị máy móc trong quá trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn cũng như sử dụng bao bì bằng giấy thân thiện với môi trường.

Sau 6 tháng hoạt động, nhận thấy được tiềm năng phát triển của Tổ cũng như yêu cầu đưa các sản phẩm của tổ vươn ra thị trường lớn, chính thức đi vào kênh bán hàng cao cấp, Hội LHPN và các ngành chuyên môn trong huyện đã hỗ trợ để tổ chức Đại hội Hợp tác xã Nam Anh với ngành nghề Sản xuất tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, vốn điều lệ 200 triệu đồng. Mỗi năm tập trung sản xuất từ tháng 11 năm nay đến tháng 3 năm sau (âm lịch). Nguyên liệu đầu vào chủ yếu được sử dụng từ cây sắn dây, cây nghệ của địa phương và một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm bán ra thị trường hàng tháng khoảng 7-8 tạ. Tổ HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong các hộ gia đình thành viên, thu nhập của mỗi thành viên tăng thêm từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người (tăng so với trước khi thành lập là 3 triệu đồng).

 

Nhờ tham gia Hợp tác xã, thu nhập của nhiều chị em phụ nữ xã Nam An đã tăng đáng kể

 

Hiện nay, qua các kênh giới thiệu và quảng bá thương hiệu, Hợp tác xã được tham gia trưng bày tại các gian hàng sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện trong các dịp lễ hội, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm của huyện, của tỉnh và đã có mặt tại gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mát Vinh của Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An. Nhiều đơn đặt hàng từ khắp mọi miền của đất nước như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nằng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… và đất nước Nhật Bản. Năm 2018, sản phẩm Tinh bột sắn dây các hương vị của Hợp tác xã là một trong 14 sản phẩm đạt giải "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu" của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, năm 2019, ý tưởng ''Áp dụng công nghệ trong sản xuất tinh bột sắn dây an toàn'' thuộc Hợp tác xã Nam Anh đạt giải “Ý tưởng xuất sắc” tại Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Có thể nói, mặc dù mới thành lập được 2 năm nhưng Hợp tác xã Nam Anh đã có những đóng góp nhất định trong việc phát triển đặc sản của địa phương. Từ hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã Nam Anh, nhiều mô hình phát triển kinh tế tập thể đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện. Tính đến nay, Nam Đàn có 2 Hợp tác xã, 3 Tổ hợp tác, 2 Tổ liên kết với 139 thành viên là hội viên phụ nữ tham gia.

Như vậy qua thực tế, việc triển khai các mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ đã có những thành công và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, sự thành công của các mô hình kinh tế tập thể do chị em làm chủ trong thời gian qua là kết quả của sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn tiếp thu và ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chị em đã biết tranh thủ mọi nguồn lực để tham mưu cơ chế, đề xuất hỗ trợ, mạnh dạn đi đầu trong các lĩnh vực nhằm ngày càng đổi mới công nghệ và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.

Hoài Phương

Trạm Khuyến nông Nam Đàn, Nghệ An/ Nông nghiệp