Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
- Thứ năm - 01/11/2018 11:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Thông tư số 30/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định một số điều của Nghị định số 107, tổ chức ngày 1/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều thay đổi lớn trong Nghị định 107
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định Nghị định 107 là bước tiến mới về thể chế |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - nhận định: Trong những năm qua, Nghị định số 109/2010/NĐ- CP đã phát huy tác dụng điều chỉnh tích cực, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định này cũng cho thấy một số vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh để góp phần phát triển ổn định, bền vững ngành sản xuất, xuất khẩu gạo; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo liên quan của Chính phủ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ- CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018.
“Xuất phát từ thực tế xuất khẩu gạo còn nhiều bất cập, thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Nghị định 107 được xem là bước tiến mới về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến những điểm mới của Nghị định 107, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Nghị định 107 không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh; không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành…
Nghị định mới cũng xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao. Quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận. Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh, thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm.
Đặc biệt, nghị định quán triệt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu…
Tạo môi trường thông thoáng cho DN
Cùng với sự thông thoáng của Nghị định 107, đã có không ít ý kiến lo lắng sẽ lại xảy ra hiện tượng tranh mua tranh bán như trước đây và nghị định mới này có ưu tiên quá cho những DN không có kho chứa, DN không có năng lực sẽ quấy rầy các DN làm ăn nghiêm túc?
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: Với thực tế đã và đang diễn ra trên thị trường thì Nhà nước không thể can thiệp quá nhiều, từng DN sẽ có góc nhìn, phương án kinh doanh trên thị trường sao cho tốt nhất. Bằng sự phán đoán chính xác của người kinh doanh, sẽ hình thành trật tự trên thị trường một cách cạnh tranh.
“Những DN có sự đầu tư bài bản vào kho chứa sẽ là sự đầu tư nghiêm túc cho tương lai và phát triển bền vững. Chỉ có DN nghiêm túc mới có thể tồn tại và đây là quá trình chọn lọc tự nhiên. Việc của nhà nước là làm quá trình chọn lọc tự nhiên nhanh hơn. Nhìn lại các ngành hàng xuất khẩu nông sản như cà phê, tiêu, điều... cũng không cần có nghị định quản lý điều hành kinh doanh mà vẫn phát triển tốt vì thế ngành lúa gạo cũng cần phải tuân theo quy luật này ”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Theo đánh giá của nhiều DN xuất khẩu gạo, với sự thay đổi trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính của Nghị định 107 sẽ tạo cho DN sự hứng khởi khi tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao, ổn định. DN sẽ yên tâm và đầu tư hơn cho vùng nguyên liệu của mình. Những người tham gia thị trường, ngay cả nông dân cũng sẽ phải thay đổi nhận thức, tư duy trong trồng lúa và xuất khẩu gạo theo hướng gắn bó hơn với các DN, sản xuất ra thị trường các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… để cung ứng cho DN xuất khẩu gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - bày tỏ: Nghị định số 107 có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Bộ Công Thương, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân. Nghị định mới cũng tạo thuận lợi và khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo; xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Lũy kế xuất khẩu gạo của Việt Nam từ 1/1- 30/9/2018 đạt giá trị FOB 2,2 tỷ USD, tăng 18,44% so với cùng kỳ; giá bình quân 46,92 USD/ tấn. Tình hình xuất khẩu gạo cũng được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi khi Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP. |