Nghị quyết 120/CP: Thay đổi tư duy về nông nghiệp

Nghị quyết 120/CP: Thay đổi tư duy về nông nghiệp
Ngành nông nghiệp đang từng bước điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm tạo đột phá với những mô hình nông nghiệp giá trị cao và bền vững. Trong đó, điểm nhấn là phát triển các tiểu vùng sinh thái theo lợi thế tự nhiên gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.

Định hướng phát triển 3 tiểu vùng

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp vùng trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Bên cạnh đó, quan điểm chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” cần được thể hiện xuyên suốt trong quy hoạch vùng đồng bằng phát triển bền vững.

Theo ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), thời gian tới, ĐBSCL sẽ được tổ chức canh tác nông nghiệp theo phân vùng sinh thái nông nghiệp. Cụ thể, vùng thượng nguồn giáp Campuchia là vùng ngập, mùa lũ sẽ trữ lũ chứ không dùng đê để be giữ. Một mặt, người dân chuyển từ canh tác lúa 3 vụ sang 2 vụ. Mặt khác, chuyển đổi sang các phương thức sản xuất khác như một vụ trồng lúa, một vụ nuôi trồng thủy sản, trồng sen hoặc các cây trồng khác. Vùng trung tâm đồng bằng sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất, không ưu tiên lúa nữa mà sang cây ăn trái.

Vùng ven biển sẽ không ngăn mặn mà chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như một nguồn tài nguyên, với các mô hình: lúa - màu, lúa - tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn… Khu vực có lợi thế về rừng ngập mặn như bán đảo Cà Mau sẽ được quy hoạch theo mô hình nông - lâm kết hợp: tràm - thủy sản, tràm - lúa -thủy sản… Điển hình là mô hình tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn đang cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế không kém gì các phương thức sản xuất đang phổ biến hiện nay.

Trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiệm vụ xây dựng phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đánh giá sâu sắc về lợi thế, cơ hội, thách thức của vùng và tiểu vùng, Bộ sẽ rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo. Thời gian tới, sẽ giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp; khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Bộ sẽ nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng đi cho các ngành hàng chiến lược, theo hướng tăng diện tích nuôi trồng cây ăn quả và thủy sản, giảm diện tích lúa kém hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng BĐKH.

Phát triển gắn với thị trường

Theo ông Chu Văn Chuông, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc phát triển kinh kinh tế nông nghiệp tiểu vùng là sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường. Để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm lực lớn cần có thêm chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tương đối lớn đảm bảo bền vững. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo hiểm để khi chuyển đổi phương thức sản xuất sẽ không bị ngắt đoạn với thị trường, bởi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn nhất cản trở việc mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng đi mới, cùng với khó khăn về thiếu nguồn lực đầu tư ban đầu.

Thực tế hiện nay cho thấy, chính các địa phương trong một vùng vẫn đang có sự cạnh tranh do trùng lặp về sản phẩm đầu ra, chủ yếu bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu mang “tên tuổi vùng miền”. Việc phân vùng sản xuất sẽ tạo cơ hội để gắn kết và tạo thành hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững, tạo nền tảng liên kết vùng do xuất phát từ chính đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này đã được đưa vào Nghị quyết 120 nhưng sẽ cần phải bàn thảo để đề ra hành động cụ thể hơn nữa.

Tại hội thảo tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2030, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo phân vùng sinh thái, ĐBSCL cần tập trung vào đổi mới giá trị sản phẩm từ số lượng sang chất lượng, tạo giá trị cao cho các trang trại sản xuất quy mô lớn. Ngành công nghiệp nông sản được xây dựng dựa trên các yếu tố: giống và thức ăn; nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; đóng gói và logistic; chứng nhận và kiểm soát chất lượng; Makerting; dịch vụ tài chính; công nghệ sản xuất và chế biến nông sản. Đảm bảo được các yếu tố này sẽ làm tăng giá trị của nông sản Việt Nam.

Mặc dù vậy, vùng ĐBSCL vẫn đang đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng và logistic cho sản phẩm nông nghiệp, vừa yếu vừa thiếu đồng bộ. Hệ thống đường thủy, đường bộ chưa kết nối thông suốt trong nội bộ từng tỉnh và cũng như tuyến vận tải thường xuyên từ TP. HCM đến các tỉnh khác, làm gia tăng thời gian vận chuyển nông sản đến thị trường dẫn đến tỷ lệ hao tổn thất thoát cao và tăng chi phí vận chuyển... Các định hướng phát triển tiềm năng cho ngành vận tải và logistic cần được tích hợp vào quy hoạch vùng, chú trọng chuyển dịch vận tải đường bộ sang vận tải thủy và nâng cấp mạng lưới vận tải thủy từ ĐBSCL đến TP.HCM. Phát triển các trung tâm logistic với các trung tâm vệ tinh để tập trung và thu gom hàng hóa, hỗ trợ vận tải đa phương thức và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tănvề chế biến, bảo quản, container hóa…

Nguồn: Văn phòng Bộ NN & PTNT

http://www.omard.gov.vn//vi-VN/50/15722/11540/Nghi-quyet-120CP-Thay-doi-tu-duy-ve-nong-nghiep.aspx