Nghịch lý thị trường thức ăn chăn nuôi

Nghịch lý thị trường thức ăn chăn nuôi
Thời gian qua, giá sản phẩm chăn nuôi giảm sâu, thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi chỉ giảm nhỏ giọt từ 3% đến 5%. Đây đang là một nghịch lý lớn của ngành chăn nuôi, làm khó người nông dân.

 

 

Giá thức ăn chăn nuôi cao ảnh hưởng không nhỏ tới người nông dân. Ảnh: Thái Hiền


Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,53 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tình trạng nhập khẩu mặt hàng này tăng cao do giá nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành... đều giảm. Giá thấp, các doanh nghiệp lớn tranh thủ nhập nguyên liệu để dự trữ. Để tối đa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ưu tiên nguồn nguyên liệu trong nước mà sử dụng các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ hơn. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trên 50% tổng số sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi. Trong khi đó, khô dầu, các nguyên liệu phụ gia nhập gần như 100% từ Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản.

Trước lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong chương trình giải cứu thịt lợn tháng 4-2017, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cam kết chia sẻ khó khăn với người nông dân. Tuy nhiên theo khảo sát, người chăn nuôi vẫn chưa được hưởng lợi từ việc giảm giá này. Bà Nguyễn Thị Dung, chủ cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp trên địa bàn xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: Thời điểm hiện nay cũng có doanh nghiệp giảm giá nhưng chỉ ở mức 10.000 đến 20.000 đồng/bao cám tùy loại. Còn 5 năm trước, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng theo từng năm...

Bên cạnh nỗi lo về giá thì chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi cũng là vấn đề đáng bàn. Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho rằng: Qua kiểm tra một số sản phẩm cho thấy, nhiều mẫu có chất lượng đạm, protein và các hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn nhiều lần so với chỉ số công bố trên bao bì. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đủ sức răn đe nên người chăn nuôi chưa được bảo vệ quyền lợi.

Một nghịch lý nữa ở khâu lưu thông là việc các doanh nghiệp đua nhau trích "hoa hồng" cao cho các đại lý. Đối với đại lý cấp I, đạt doanh số cao, thưởng cộng với "hoa hồng" có thể lên tới 30% giá trị sản phẩm. Dưới góc độ đơn vị phân phối, anh Đặng Văn Quảng, đại lý thức ăn chăn nuôi xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) lý giải: Do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ vốn nên việc người chăn nuôi phải mua chịu, mua trả góp... càng dẫn tới giá thức ăn bị đội cao hơn.

Để giảm giá thức ăn chăn nuôi, không phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung ứng, nhiều trang trại đã chủ động mua nguyên liệu để phối trộn theo công thức hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và các đơn vị nghiên cứu. Ông Nguyễn Văn Tài, chủ trang trại chăn nuôi gà đồi xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình mua ngô, khô dầu đậu tương… về ủ lên men theo hướng dẫn, dẫn tới giá thành giảm tới 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, trong khi lại kiểm soát được chất lượng. Một biện pháp nữa để giảm giá thức ăn là người chăn nuôi cần tổ chức lại sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng nhau lựa chọn một hãng thức ăn chăn nuôi phù hợp với tình hình chăn nuôi ở khu vực để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá khi không phải qua "cầu" trung gian.
Theo Sơn Tùng/hanoimoi.com.vn