Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình xử lý rác hiệu quả

Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình xử lý rác hiệu quả
Theo chỉ tiêu đưa ra tại Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội, đến năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị khoảng 85 - 100%, nông thôn khoảng 70 - 80%.
Từ nay đến thời điểm năm 2020 không còn nhiều, vì vậy, UBND TP Hà Nội đã và đang yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy xử lý rác thải để đảm bảo VSMT.
 
Tái chế biến rác thải tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: Linh Anh
Tái chế biến rác thải tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn. Ảnh: Linh Anh
Đáp ứng xử lý rác tập trung
Theo UBND TP Hà Nội, trong năm 2015, nhiều nhà máy xử lý rác tại các huyện Đan Phượng, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì và Sóc Sơn được đưa vào hoạt động. Việc xây dựng các nhà máy xử lý rác tại các huyện kể trên đảm bảo mỗi vùng có một nhà máy xử lý rác, từ đó giảm quãng đường vận chuyển, đảm bảo VSMT, đáp ứng việc xử lý rác tập trung. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 với diện tích 73,73ha, đưa vào vận hành sử dụng từ đầu năm 2015.
Dự kiến đến năm 2020, khối lượng rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP phải xử lý 8.500 tấn/ngày và đến năm 2030 là 11.300 tấn/ngày.

Theo ông Hoàng Nam Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1 (thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải tập trung Sóc Sơn) có quy mô diện tích 83,5ha. Hiện nay, khối lượng rác hàng ngày tiếp nhận về bãi rất lớn, trung bình đạt 4.500 tấn/ ngày đêm, dự kiến đóng bãi trong quý I/2015. Ngoài ra, trong tổng thể Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1 có các nhà máy xử lý nước rác với tổng công suất xử lý khoảng 2.500m3/ngày đêm và tiếp tục được sử dụng cho Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2.
Đối với dự án xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, diện tích sử dụng đất 73,73ha; có 8 ô chôn lấp với diện tích 30ha và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn. Trong đó, khu phía Nam 36,26ha, gồm 6 ô chôn lấp hợp vệ sinh với công suất chôn lấp 4.984.620m3; khu phía Bắc 37,47ha, gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1.883.890m3. Theo tính toán, khu phía Nam đưa vào vận hành từ đầu năm 2015, đến hết năm 2018 sẽ đóng bãi; bắt đầu chuyển sang chôn lấp rác tại các ô chôn lấp của khu phía Bắc từ năm 2019 và đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2.
Ba giải pháp xử lý rác thải
Để phục vụ nhu cầu rác thải của Thủ đô trước mắt và lâu dài, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn đảm bảo phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Theo đó, địa điểm lập dự án hoàn thiện Khu xử lý chất thải tập trung Sóc Sơn có quy mô 99,72ha (mở rộng đến năm 2030). Liên ngành đã thống nhất phương án mở rộng bãi rác về phía Tây Bắc của Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn.
Ngoài ra, việc thực hiện các dự án Khu xử lý rác thải Núi Thoong (xã Tân Tiến) và Đồng Ké (xã Trần Phú) trên địa bàn huyện Chương Mỹ... cũng đang được TP yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhằm giảm chi phí vận chuyển và giảm áp lực cho các khu xử lý rác tập trung trên địa bàn. 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, trong điều kiện nguồn lực của Thủ đô hiện nay, không thể đồng thời một lúc áp dụng tất cả các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới mà phải có lộ trình. Theo đó, Hà Nội đang tập trung vào 3 giải pháp lớn để xử lý rác thải. Trong đó, giải pháp đầu tiên là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Cụ thể, tại huyện Đan Phượng và tại xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, vừa đảm bảo yêu cầu của Việt Nam, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn của nước ngoài. Giải pháp thứ hai là tiến hành nghiên cứu, đưa ra các mô hình vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam, vừa đảm bảo VSMT, như mô hình trung chuyển và xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Oai. Giải pháp thứ ba là chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. "Dự kiến, đến hết năm 2015, Hà Nội phấn đấu 100% rác thải đô thị và 90% rác thải nông thôn được thu gom xử lý hợp vệ sinh" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
 
Ngày 10/3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác vận chuyển rác thải ở TP Hà Nội - Giới thiệu dự án trạm trung chuyển rác thải". Tại đây, các chuyên gia trong nước và Nhật Bản đã cùng nhau trao đổi, bàn thảo về kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, các phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Với Hà Nội, rác thải được tập trung chủ yếu ở bãi Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), song khu vực này ở quá xa trung tâm, tốn kém chi phí, hạn chế chất lượng vận chuyển và xử lý. Do đó, các chuyên gia đã đề xuất quy hoạch xây dựng trạm trung chuyển rác thải tại khu vực Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, công suất 1.000 tấn/ngày do URENCO cùng các công ty Nhật Bản quản lý, vận hành. Việc hình thành trạm trung chuyển rác thải là một trong những mắt xích quan trọng, cần thiết để đảm bảo chất lượng VSMT, điều kiện phát triển bền vững của đô thị. 
Theo ktdt.vn