Người Bí thư làm "bà đỡ" cho nông dân

Người Bí thư làm "bà đỡ" cho nông dân
Mô hình kinh tế của ông Trần Công Việt, Bí thư Đảng ủy xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, Bắc Giang), đã trở thành điểm đến quen thuộc để nhiều bà con nông dân trong xã học làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Trần Công Việt (trái) trao đổi kiến thức chăn nuôi cùng chủ trang trại Nguyễn Bá Hữu - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Sau khi kết thúc một ngày làm việc trên xã, ông Việt lại trở về với đam mê chăn nuôi, chăm sóc hơn 300 con lợn nái sinh sản, hơn 3.000 con ba ba. Ông là một trong những người tiên phong làm kinh tế trang trại tổng hợp ở xã thuần nông này.

Đảng viên làm trước, người làng làm theo

Một ngày làm việc của Bí thư Đảng ủy xã Trần Công Việt bắt đầu từ hửng đông cho đến tối mịt. Sau khi đã giải quyết xong công việc ở Đảng ủy xã, ông lại ra đồng hỏi thăm tình hình bà con chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Trên cánh đồng thôn Đầm Lát, chẳng nề hà, ông Việt xắn quần ngang gối lội ruộng hỏi bà con về sản lượng khoai năm nay có khá hơn năm ngoái, rồi lại ngược xuống phía cuối cánh đồng để kiểm tra máy bơm nước cấy cho người dân.

“16 năm làm việc ở xã, từ Trưởng Công an, lên Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng ủy xã, tôi luôn tâm niệm mình phải làm gì đó có lợi cho cho bà con”, ông Việt nói.

Cũng bởi lẽ đó mà ông Bí thư Đảng ủy xã luôn trăn trở tìm hướng làm giàu cho bà con. 

Xã Việt Ngọc là một vùng đất trung du, diện tích đất đồi lớn. Độ chục năm về trước, xã trắng mô hình kinh tế trang trại. Người dân vẫn giữ thói quen cũ, nuôi vài con lợn, hơn chục con gà để tăng gia chứ chưa ai dám nghĩ đến làm giàu từ trang trại lớn trên đất đồi.

Có lần ông được sang Thái Lan tham quan mô hình trang trại, được tận mắt thấy nông dân Thái làm kinh tế trang trại quy mô lớn, hiện đại, ông ao ước đưa mô hình này về để bà con làm giàu. Trên những vùng đất đồi rộng lớn quê ông, bà con chỉ trồng sắn, quanh năm cặm cụi vất vả, mồ hôi luôn ướt áo mà chỉ thu được vài đồng.

“Nhưng mình không thể nói suông. Mình phải làm thành công, rồi có nói gì bà con mới tin”, ông Việt nghĩ. Thế là mùa Xuân năm 2008, ông thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng, vay tiền thuê 2 ha đất trũng làm trang trại tổng hợp. 

Mới đầu, vợ con ngần ngại, người làng hoài nghi vì thấy ông bận sớm tối trên xã, còn thời gian đâu mà lo cho trang trại. “Nhưng đó là đam mê, hơn nữa tôi mong muốn mở lối làm giàu cho bà con nên dù nhiều người khuyên ngăn, tôi vẫn làm”, ông Việt nói.

Ông liên kết với Tập đoàn Dabaco Việt Nam, công ty lo giống và nhận bao tiêu sản phẩm, đưa kỹ sư về tư vấn. Hơn 10 năm gắn bó với chăn nuôi, trang trại của ông luôn “sống khỏe”. Hiện ông nuôi 300 lợn nái sinh sản, hơn 3.000 con ba ba, chưa kể 2 ao cá.

Thấy ông xuất lợn con, bán ba ba được trả "tiền tươi, thóc thật" ngay tại nhà, dần dần nhiều người dân trong xã bắt đầu lên kế hoạch làm giàu từ trang trại. Chẳng cần vận động hay hô hào mà bà con cứ kéo đến nhà ông hỏi cách làm trang trại. Ông Bí thư lại trở thành nhà tư vấn đáng tin cậy cho bà con trong xã.

Từ chỗ cả xã không có lấy một trang trại quy mô lớn, đến nay, trong xã có thêm một trang trại nuôi lợn quy mô 3.000 con một lứa, một trang trại nuôi gà hơn 16.000 con và 12 gia trại, trong đó, mỗi gia trại nuôi trên 300 con lợn một lứa.

Năm 2014, kinh tế trang trại chăn nuôi mang về cho xã Việt Ngọc 97 tỷ đồng.

"Bà đỡ" cho nông dân

Giấc mơ triệu phú của không ít nông dân xã Việt Ngọc đã trở thành hiện thực từ sự giúp sức tận tình của ông Việt. Nhiều nông dân ở xã trung du này vẫn quen gọi ông Bí thư Đảng ủy xã là “bà đỡ cho nông dân”.

Dù công việc bận tối mắt tối mũi, nhưng ông Việt vẫn dành thời gian đến các trang trại trong xã để cùng bà con tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.

Thấy ông Bí thư đến cổng trang trại, ông Nguyễn Bá Hữu, chủ một trang trại lớn trong xã chạy ra phấn khởi. “Sướng lắm ông, tôi thức trắng đêm để đưa nước lên. Bà con trong thôn cũng vui sướng cả đêm”.

Chuyện là cánh đồng thôn Đầm Lát nằm trên cao mà suối thì ở dưới thấp nên lâu nay bà con luôn "cháy" nước sản xuất. Thấy dân khổ chuyện nước tưới, ông Bí thư đề nghị trên cho đường điện, còn ông Hữu bỏ ra hơn 100 triệu đồng làm mương nổi và sắm máy bơm nước cho bà con.

Đang chuyên thủy lợi nội đồng, ông Hữu kéo chúng tôi về nhà mình, rồi bảo: “Nhà báo đi một vòng trang trại xem có đã mắt không. Trước đây là vùng đầm lầy và đất đồi trồng sắn. Gần chục năm nay trở thành trang trại bạc tỷ”.

“Cũng nhờ ông Bí thư Đảng ủy xã mở đường đấy”, ông Hữu tâm sự. Trước khi làm trang trại, ông Hữu từng làm lái xe, đốt lò gạch. Nghe ông Việt nói về mô hình trang trại hiện đại ở bên Thái, ông chuyển sang nuôi lợn.

Kế hoạch làm giàu của ông Hữu đã được Đảng ủy, chính quyền xã, nhất là ông Bí thư ủng hộ hết mình. Người làng vẫn thường thấy ông Bí thư tranh thủ thời gian đến cùng bàn bạc với ông nông dân có chí làm giàu về kỹ thuật chăn nuôi, cách quy hoạch xây chuồng trại cho hợp lý.

3 ha đất đầm lầy và đất đồi đã biến thành trang trại nuôi lợn lớn nhất xã. Mỗi lứa, ông Hữu nuôi 3.000 lợn thịt, ông xuất hơn 500 tấn lợn ra thị trường, thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Hơn 10 năm về trước, Bí thư Đảng ủy xã Trần Công Việt là một trong những người đầu tiên làm kinh tế trang trại, mở hướng làm giàu cho nhiều nông dân. Bây giờ, ông lại bắt đầu một kế hoạch mới. “Chúng tôi đã có mương nổi, cơn khát nước của bà con trong thôn đã được giải quyết, chủ động được nguồn nước tưới thì những vùng đất đồi trồng sắn sẽ chuyển thành những đồi trồng cam Vinh, bưởi Diễn. Đó là những "đồi tiền" trong tương lai, ông Việt nói.

Theo baodientu.chinhphu.vn