Người dân Quản Bạ no ấm từ những mô hình phát triển kinh tế

BHG- Trong những năm qua, các mô hình phát triển kinh tế ở huyện Quản Bạ đã phát huy được hiệu quả từ các nguồn vốn đầu tư; làm thay đổi tư duy, phương thức, tập quán canh tác cũ, lạc hậu của người dân và thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng lương thực của toàn huyện qua từng năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước XĐGN cho nông dân.
Mô hình phát triển cây dược liệu Actiso đang dần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Trong ảnh: Người dân thị trấn Tam Sơn chăm sóc cây dược liệu Actiso.

Xác định hướng thoát nghèo bền vững là xây dựng các mô hình kinh tế, phát huy thế mạnh tại chỗ về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; từ đó nhân rộng cho bà con học tập, làm theo. Bằng các nguồn vốn của tỉnh, huyện và nguồn vốn từ chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện đã ban hành các cơ chế hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo từng năm như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu... Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có 28 mô hình phát triển kinh tế được thực hiện. Những mô hình này, không chỉ giúp cho đồng bào các dân tộc thoát được nghèo, vươn lên làm giàu mà mỗi mô hình đã trở thành một điển hình có sức lan tỏa lớn, tạo khí thế sản xuất mới trong cộng đồng.

Đã 3 năm nay, xã Nghĩa Thuận thực hiện trồng ngô sớm bằng phương pháp che phủ nilon, mô hình đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại trong vụ Đông - xuân. Được biết, việc trồng ngô che phủ nilon có nhiều ưu điểm: Tránh thoát hơi nước, đảm bảo độ ẩm của đất, tránh rửa trôi, gốc ngô được giữ ấm vào những đợt rét; hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật; ít cỏ dại hơn nên giảm bớt công lao động. Ngoài ra, ngô trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 7 - 10 ngày, năng suất gấp 2 lần so với trồng ngô thông thường; mô hình này đã được triển khai trên diện rộng. Chị Cáo Thị Quyết ở thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận phấn khởi cho biết: “Nhờ đưa mô hình này mà nhiều gia đình đã khấm khá hơn, cây ngô rất tốt, lúc thu hoạch nhìn những bắp ngô to, hạt đều và chắc mà vui cái bụng”... Đối với mô hình lai tạo và phát triển đàn ngựa thực hiện tại xã Quản Bạ, với 5 hộ dân tham gia thực hiện. Ngựa lai có ưu điểm: Ngoại hình cân đối, màu sắc đẹp, tầm vóc cao, thể trọng lớn hơn ngựa địa phương, sức sản xuất bền bỉ, khả năng chống bệnh tốt và dễ nuôi dưỡng. Đến nay, có 9 ngựa lai con đã ra đời. Thành công này, mở ra triển vọng áp dụng rộng rãi cải tạo đàn ngựa địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy mới được 1 năm nhưng người dân các xã khác cũng rất quan tâm.

Mô hình chăn nuôi lợn đầu tư có thu hồ gắn với xây dựng bể Biogas được thực hiện tại các xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà; 30 hộ thực hiện, quy mô 10 đầu lợn thịt, 1 đầu lợn nái, 1 bể Biogas trên 1 mô hình. Sau 1 năm thực hiện, các hộ dân tham gia đã bán được 3 lứa lợn và có thu nhập từ việc chăn nuôi lợn, mặt khác đã giúp cải thiện môi trường, hạn chế việc lấy củi để đun, nấu sinh hoạt hộ gia đình. Ông Trần Đức Hưởng, thôn Thống Nhất, xã Đông Hà cho biết: Lúc đầu gia đình chỉ nuôi từ 1 - 2 con, từ khi được Nhà nước hỗ trợ 45 triệu đồng, sau 2 năm mới thu hồi lại, gia đình đã xây chuồng trại, mua lợn về nuôi; đến nay, gia đình đã bán được 4 lứa lợn, trừ chi phí đi thu về 30 triệu đồng. Tại xã Cán Tỷ, người dân lại tập trung chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng khá ổn định. Ông Thào Chúa Mình, thôn Đầu Cầu I, là hộ điển hình thoát nghèo từ chăn nuôi, ông thường xuyên có 10 – 15 con bò mua lại từ lúc chúng còn gầy yếu để vỗ béo, mỗi năm gia đình thu được 70 – 80 triệu đồng, mỗi đợt vỗ béo có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng... Cách làm này, được người dân ở các xã Thanh Vân, Quyết Tiến, thị trấn Tam Sơn mạnh dạn vay vốn đầu tư, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình.

Ngoài chăn nuôi, huyện chú trọng đến các mô hình luân canh 3 vụ tại xã Đông Hà, với 50 hộ tham, quy mô 5 ha. Vụ 1 trồng ngô NK 4300, năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 260 tấn; vụ 2 trồng lúa Kim ưu 725, năng suất đạt 70 tạ/ha, sản lượng 350 tấn; vụ 3 trồng cây khoai tây, sau 75 ngày cho thu hoạch, năng suất 15 tạ/ha, sản lượng 75 tấn. Mô hình thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ và được sự đồng tình ủng của các hộ dân trên địa bàn. Mới đây, mô hình phát triển cây dược liệu (Actiso) được triển khai tại xã Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Thời gian gieo trồng khoảng 3 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt 38 tạ/ha cho thu thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, lúa... Những mô hình này đang dần làm thay đổi tập quán canh tác, tạo thói quen chủ động và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh. Bên cạnh đó, sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu đặc sản sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách đến thăm quan tại Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Trên thực tế, những mô hình phát triển kinh tế không chỉ tạo cơ hội cho người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Người dân Quản Bạ hôm nay, bên cạnh sự cần cù, chịu khó đã đổi thay rất nhiều trong tư duy, cách làm và sự tự tin trong lao động sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho một cuộc sống ấm no trên Cao nguyên đá.

Theo: baohagiang.vn