Người nông dân vùng cao mê sáng chế

Người nông dân vùng cao mê sáng chế
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng cao của huyện nghèo Sơn Động, Bắc Giang, chỉ học hết lớp 7/10, không được học bài bản về nghề cơ khí, nhưng bằng sự tìm tòi, ham học hỏi và sự thấu hiểu sâu sắc nỗi vất vả của người nông dân vùng cao, ông Chu Văn Quỳnh ở thôn Rèm, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã chế tạo ra nhiều nông cụ tiện ích, giá cả hợp lý, phù hợp với đặc điểm sản xuất vùng cao để giúp bà con nông dân bớt vất vả.
Hiện ông Quỳnh là chủ các sáng chế: Máy tuốt lúa hộ gia đình (giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ III năm 2009); Cải tiến giàn máy cày tay (giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2013 và giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần V năm 2013), và sáng chế Máy tách hạt ngô (tham gia Hội chợ triển lãm khoa học công nghệ quốc tế tháng 10/2015 tại Hà Nội). 

Ông Quỳnh đã cải tiến chiếc máy cày cho phù hợp với ruộng bậc thang.

Sản phẩm đầu tay của ông Quỳnh là máy tuốt lúa hộ gia đình. Là một xã nghèo vùng cao nên người dân Giáo Liêm thường dùng sức trâu bò để cày bừa, đập lúa. Năm 1997, một trận dịch bệnh xảy ra, trâu bò ở vùng này đều nhiễm bệnh chết gần hết. Đúng mùa thu hoạch đến, không có trâu bò để làm sức kéo và đập lúa, ông Quỳnh đành gom góp số tiền ít ỏi trong nhà đi mua một chiếc máy tuốt lúa bằng tay. Tuy nhiên ông nhận thấy, sử dụng chiếc máy tuốt lúa bằng khung gỗ, chân đạp, độ an toàn không cao, mất nhiều công sức, cấu tạo cồng kềnh và dễ bị hỏng hóc. 
 
Trong đầu ông hình thành ý tưởng chế tạo một chiếc máy tuốt lúa nhỏ gọn, chạy bằng điện và có thể mang tuốt luôn tại ruộng. Do không được học bài bản nên việc chế tạo máy với ông rất khó khăn, phải mất 2 năm ông mới biến ý tưởng thành hiện thực. Không phụ công người, sau nhiều lần cải tiến, chiếc máy tuốt lúa của ông Quỳnh đã hoàn thành với những ưu điểm bất ngờ. Máy chạy bằng điện với động cơ 750W, tuốt một sào lúa chỉ mất khoảng 20 phút, tuốt lúa không làm đứt bông, sạch thóc, rơm không nát, thóc không bị vỡ hạt, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt chiếc máy được thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, tháo lắp, có thể mang lên đồi tuốt luôn tại ruộng nếu thay thế động cơ điện bằng xăng. Nhận thấy ưu điểm của chiếc máy, giá cả hợp lý (1,5 triệu đồng/chiếc) nhiều người dân trong vùng đến đặt mua. Tính đến nay ông đã bán ra thị trường hàng nghìn chiếc máy tuốt lúa. 

Ông Chu Văn Quỳnh bên chiếc máy tách hạt ngô.

Sáng chế thứ hai của ông cũng ra đời rất tình cờ. Năm 2012 người dân quê ông mua máy cày về dùng nhiều, nhưng hầu như cái nào cũng phải mang đi sửa chữa đến 90% mới sử dụng được ở ruộng bậc thang nhỏ hẹp. Thế là ông lại nung nấu ý tưởng cải tiến chiếc máy cày phù hợp với đồng ruộng vùng cao. Ông mua một chiếc máy cày hỏng về tháo dỡ ra để tìm nguyên nhân vì sao máy cày bị lỏi đất, mắc dạ, không vét được vào bờ, dễ gãy mũi và khiến người cầm lái rất mệt mỏi. Hì hục, mày mò bao ngày đêm, cuối cùng ông cũng tìm ra được nguyên nhân. 
 
Ông tiến hành cải tiến chốt vặn, bánh lồng và mũi cày, bừa, nhờ đó, việc vận hành máy trở nên nhẹ nhàng, đường cày thẳng, không bị lỏi đất, cày được cả góc ruộng bậc thang. Giàn máy cày cải tiến ra đời không chỉ ông mà bà con xung quanh cũng rất vui mừng. Giờ đây người dân khi mua máy cày chỉ cần mua máy không có bánh lồng và mũi cày bừa, mang về thay thế loại bánh lồng và mũi cày bừa đã cải tiến là đã được một chiếc máy cày bừa đáp ứng được mọi yêu cầu của đồng ruộng vùng cao, tiết kiệm được một nửa thời gian so với những máy cày trước. Đến nay, ông đã bán được khoảng 200 bộ bánh lồng và lưỡi cày cho người dân xung quanh. 
Theo Báo tin tức