Người tiên phong giải phóng sức lao động cho phụ nữ nông thôn
- Thứ năm - 12/10/2017 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về Thái Bình, chúng tôi bắt gặp nhiều mô hình canh tác mới với những thành quả đáng khích lệ. Nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đó một phần nhờ công lao rất lớn của chị Đoàn Thị Kim Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKNKN) Thái Bình được bà con gọi với cái tên trìu mến “Chị Tứ tam nông”.
Năm 1987, cô kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt vừa ra trường được nhận về Trung tâm KNKNKN Thái Bình với nguyện vọng cống hiến sức trẻ cho quê hương. Với kiến thức được học, chị lao vào tìm tòi nghiên cứu tại cơ sở, ứng dụng để xây dựng quy trình thâm canh hợp lý. Chị Tứ nhận khoán từ thôn của mình với vai trò cán bộ khuyến nông chỉ đạo và tập huấn kỹ thuật cho bà con và hưởng % theo mùa vụ. Nhận rộng vài thôn rồi đến vài xã... Cứ thế, đến nay, thành quả chị Tứ gặt hái được sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu là các bằng lao động sáng tạo, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 năm 2012 - 2013...
Việc gieo sạ được áp dụng rộng rãi đã góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ - lực lượng đông đảo của sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Ngoài ra, chị Tứ cùng đồng nghiệp triển khai và ứng dụng thành công bỏ giống lúa dài ngày, cấy bằng giống ngắn ngày; giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Đến nay, diện tích vụ đông của toàn tỉnh đạt trên 40.000 ha.
Các đề tài nghiên cứu khoa học chị từng tham gia và trực tiếp làm chủ nhiệm mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt, đề tài “Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHCN để nâng cao sức chống chịu cho cây lúa nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do bệnh Lùn sọc đen hại lúa tại Thái Bình” đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Đề tài được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao, được công nhận là giải pháp mới trong thâm canh lúa, khuyến cáo người dân ứng dụng, góp phần giải quyết nhiều "nút thắt" trong chuỗi sản xuất lúa sạ hàng, đặc biệt là sạ hàng rộng - hàng hẹp, giải phóng sức lao động, bón phân cân đối NPK, bón phân vi sinh đa chủng chức năng thay thế phân chuồng, sản xuất ra nông sản sạch, giúp nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. “Hạnh phúc của mình là niềm vui của bà con nông dân khi đề tài và các hướng dẫn khoa học kỹ thuật của mình trên đồng ruộng mang lại hiệu quả thiết thực”, chị Tứ chia sẻ.
Không chỉ miệt mài với các công trình nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng suất cây trồng, chị còn xây dựng mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, nhất là mô hình thí điểm “Cánh đồng mẫu” gắn đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Với sự hướng dẫn của chị Tứ và trung tâm khuyến nông, bà con đã từng bước đưa cơ giới hoá áp dụng vào sản xuất để hạ giá thành đầu vào, biết ghi chép nhật ký đồng ruộng để truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, tập làm quen với sản xuất hàng hoá, sử dụng các chế phẩm sinh học phục hồi lúa sau rét, sau úng ngập…
Ngoài cây lúa, chị Tứ còn thực hiện cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh sang nhóm cây hàng hoá giá trị cao như ớt, bí xanh, dưa chuột bao tử, khoai tây và một số loại rau. Với thành công trong việc nhân và sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh, chị Tứ cùng Trung tâm KNKNKN đã góp phần tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng với giá thành thấp, chất lượng tốt.
Vấn đề chị trăn trở là làm sao để nông dân giàu lên bằng chính sản xuất nông nghiệp trên quê hương mình khi áp dụng đúng các tiến bộ mới để sản xuất cho năng suất cao nhưng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái. Chị Tứ cũng mong muốn nông nghiệp Thái Bình trở thành điểm sáng về trung tâm sản xuất giống cho cả nước từ giống cây, giống con cho đến giống thủy sản…
Theo Thu Sương/ PNVN