Người trẻ trăn trở với nguồn nước và môi trường
- Thứ bảy - 29/10/2016 12:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bạn Huỳnh Xuân Lý (ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM). |
Họ đã gửi đến cuộc thi “Nước và cuộc sống” những đề án từ suy nghĩ, trăn trở của mình.
Từ những bể lọc nước
Là chủ nhiệm CLB chuyên hành động về môi trường, bạn Nguyễn Văn Thắng, sinh viên khoa quản lý tài nguyên môi trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đã cùng các thành viên thực hiện mô hình “Xử lý nước ngầm nhiễm sắt tại hộ gia đình ở khu vực miền Trung”.
Trước khi gửi đề tài tham gia cuộc thi, nhóm của Thắng và các bạn đã triển khai thí điểm mô hình này tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) và xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Trong quá trình tổ chức các hoạt động tình nguyện tại đây, nhóm của Thắng nhận thấy nguồn nước mà bà con đang sử dụng bị đục. Ngoài việc phỏng vấn lấy ý kiến người dân, nhóm còn mang mẫu nước về phòng thí nghiệm của trường để nghiên cứu, tìm hiểu. Và kết quả là một số thông số đều vượt ngưỡng cho phép. Do vậy nhóm đã ứng dụng ngay những bài học trên lớp, cùng với việc tổng hợp nguồn thông tin, kiến thức tìm hiểu trên mạng, mô hình bể lọc nước khử sắt của nhóm đã ra đời.
Thuyết phục bà con đưa mô hình bể lọc vào thực tế của mỗi hộ, nhóm của Thắng vận động kinh phí xây dựng (mỗi bể khoảng 1 triệu đồng) tặng các hộ gia đình khó khăn.
“Đã có 28 hộ gia đình sử dụng bể lọc của nhóm mình. Sau khi ứng dụng, nhóm của mình cũng đã lấy mẫu nước sau khi lọc đem về phòng thí nghiệm để xử lý và thấy có nhiều cải thiện hơn, phù hợp để bà con sử dụng. Tuy nhiên với sức làm của nhóm không thể nhân rộng được nhiều nơi. Do vậy nhóm mình tham gia cuộc thi với mong muốn có cơ hội nhân rộng mô hình lọc nước giúp bà con có nguồn nước sạch sử dụng” - Thắng bộc bạch.
Không chỉ lo nguồn nước sạch cho bà con, các thành viên trong nhóm còn gầy dựng mô hình trồng rau thủy canh giúp hơn 100 hộ gia đình trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) để họ chủ động nguồn rau vào những dịp mưa bão khi tàu không vào được đất liền.
Bạn Nguyễn Văn Thắng (ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng). |
Đến mô hình xử lý nước thải chăn nuôi
Cũng trong quá trình đi thực tế các môn học, bạn Huỳnh Xuân Lý, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đã gửi đến cuộc thi đề tài “Xử lý nước thải chăn nuôi có kết hợp bể biogas và bể wetlands để tái sử dụng nguồn nước”.
Tuy mô hình chưa được triển khai trong thực tế, nhưng nếu khả thi sẽ được áp dụng tại các hộ chăn nuôi tỉnh Bình Thuận - nơi Lý tìm hiểu và nghiên cứu.
“Mô hình biogas đã được ứng dụng nhiều tại một số hộ chăn nuôi heo. Tuy nhiên đề tài của mình là sự kết hợp cả biogas lẫn bể wetlands. Mục tiêu của dự án nhằm tạo mô hình chăn nuôi hợp lý và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như thất thoát nguồn nước. Nếu mô hình được ứng dụng thì các hộ chăn nuôi sẽ có thêm nguồn khí đốt, nguồn phân để nuôi trùn quế làm phân sạch bón cây và nguồn nước sau xử lý dùng cho trồng trọt. Như thế có thể thực hiện mô hình trang trại kết hợp với trồng rau sạch cung cấp cho thị trường” - Lý cho hay.
Theo mô hình của Lý, nguồn khí thu từ bể biogas không chỉ để nấu ăn mà còn có thể chạy máy phát điện cung cấp cho trang trại. Mô hình sẽ giảm việc thải nguồn phân chăn nuôi trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm đến cuộc sống cộng đồng xung quanh.
Anh Phạm Bá Linh, tổ trưởng tổ thư ký cuộc thi, cho biết đến nay đã nhận được gần 300 bài dự thi của các bạn trẻ trong và ngoài nước gửi về, trong đó có nhóm thạc sĩ đang học tập tại Pháp cũng gửi dự án về thi, với hi vọng được tạo cơ hội ứng dụng dự án này tại quê nhà Việt Nam. Cuộc thi đang ở giai đoạn nước rút bởi hạn chót nhận bài dự thi là đến hết ngày 30-10-2016 (theo dấu bưu điện).
Cuộc thi “Nước và cuộc sống” do Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam thực hiện. Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm các mô hình, ý tưởng góp phần giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay về tài nguyên nước. Các ứng dụng xuất sắc, áp dụng được trong thực tiễn sẽ được nhân rộng trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm, xử lý hiệu quả nguồn nước. |