Nguyên liệu chế biến - bài toán khó đã có lời giải

Nguyên liệu chế biến - bài toán khó đã có lời giải
Bình Định là tỉnh phát triển mạnh nghề trồng rừng, hiện trên địa bàn tỉnh này có khoảng 150.000ha rừng trồng, chiếm hầu hết là rừng sản xuất.
09-53-11_1
Rừng trồng gỗ lớn của Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Ảnh: Đình Vũ)

Hàng năm, các tổ chức, cá nhân trồng rừng ở Bình Định khai thác trồng lại khoảng 10.000ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn gỗ nguyên liệu.

Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng trồng ở Bình Định hầu hết đều được khai thác non bán cho những nhà máy chế biến dăm gỗ XK với giá trị thấp.  

Đã có lời giải một bài toán khó

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, UBND tỉnh này vừa phê duyệt đề án trồng rừng gỗ lớn. Theo đó, đến năm 2025 Bình Định sẽ hình thành 10.000ha rừng gỗ lớn, đến năm 2035 tăng lên 30.000ha. Có 3 DN đang hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đã chuyển hóa, trồng mới được hơn 1.200ha rừng gỗ lớn, đó là các công ty lâm nghiệp Sông Kôn, Hà Thanh và Quy Nhơn. “Bình Định quyết tâm thực hiện được mục tiêu này để giải bài toán nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ và tình trạng thiếu lao động nghề rừng”, ông Dũng nói.

Bình Định được mệnh danh là thủ phủ đồ gỗ của miền Trung với 105 DN đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ (CBG) XK có tổng công suất thiết kế trên 30.000 container 40ft/năm. Khó khăn lớn nhất mà các DN CBG ở Bình Định đang gặp phải là về nguyên liệu, hầu hết các DN đều lệ thuộc đến 80% nguồn gỗ nguyên liệu nhập từ nước ngoài.

Trong khi đó, tại Bình Định hàng năm có đến 1 triệu tấn gỗ nguyên liệu được khai thác; thế nhưng chỉ có 10% trong số đó được phục vụ cho ngành CBG, 80 - 85% được đưa vào các nhà máy chế biến dăm gỗ XK và 5% cho các nhu cầu khác. Nguyên nhân do lâu nay các chủ rừng trồng ở Bình Định đã quen “ăn xổi ở thì”, rừng mới 4 - 5 tuổi đã khai thác non bán cho những nhà máy chế biến dăm gỗ XK để “cầm tiền tươi”.

Trước xu hướng Nhà nước sẽ điều chỉnh, hạn chế xuất thô dăm gỗ nguyên liệu và đón đầu nhu cầu về gỗ nguyên liệu của ngành CBG trong tỉnh, ngay từ năm 2014 Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh) đã thuê đất tại huyện Hoài Ân trồng 700ha rừng gỗ lớn.

09-53-11_2
Cán bộ kỹ thuật của Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn kiểm tra tăng trưởng của rừng trồng (Ảnh: Đình Vũ)

“Rừng trồng của các hộ gia đình hầu hết được khai thác non để bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ XK, trong khi đó gỗ nguyên liệu phục vụ cho ngành CBG trong tỉnh đều lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập từ nước ngoài, thế nên từ rất sớm Cty xác định rừng gỗ lớn chính là nguồn sống của Cty. Nuôi rừng từ 8 - 10 năm mới khai thác, lúc ấy năng suất có thể đạt đến 160 - 180 tấn/ha, giá bán cũng sẽ tăng đến 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn, lợi đôi bề”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc phụ trách Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ.

Cũng theo ông Đạo, nuôi rừng gỗ lớn còn giải quyết được bài toán về nạn thiếu lao động nghề rừng hiện nay. 4 - 5 năm trước đây, tiền thuê nhân công khai thác rừng trồng chỉ 40.000 - 50.000 đồng/ngày, nhưng hiện nay, đến thời điểm khai thác, các chủ rừng tăng tiền công lên đến 160.000 - 180.000 đồng/ngày nhưng thuê không ra công lao động. “Công nghiệp phát triển đã thu hút hết lao động nôn thôn. Được làm việc trong nhà xưởng mát mẻ mà thu nhập lại ổn định, còn nghề rừng phải lao động cật lực trên núi cao, lại là nghề thời vụ nên lao động làm nghề rừng hiện rất hiếm. Khi đã phát triển rừng gỗ lớn thì các chủ rừng có thể đưa cơ giới vào khâu thu hoạch, khi ấy sẽ không còn lệ thuộc vào công lao động nghề rừng”, ông Đạo nhận định.  

Cần được tiếp sức

Là 1 trong 3 đơn vị tiên phong trong rồng rừng gỗ lớn ở Bình Định, từ năm 2017 đến nay, Cty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) đã chuyển hóa và trồng mới hơn 300ha rừng gỗ lớn. Qua thực tế, ông Trần Nguyên Tú, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, nhận thấy để các chủ rừng đủ lực nuôi rừng gỗ lớn, cần phải được Nhà nước tiếp sức bằng những chính sách mang tính đòn bẩy. 

“Nuôi rừng gỗ lớn phải cần thời gian dài, vì vậy các chủ rừng cần Nhà nước hỗ trợ các chính sách về tín dụng, bảo hiểm rừng trồng, nghiên cứu cây giống và làm chứng chỉ rừng. Chu kỳ rừng gỗ lớn dài đến 10 năm nên các chủ rừng cần chính sách ưu đãi về lãi suất vốn vay và thời hạn vay. Công tác nghiên cứu về giống lâm nghiệp cũng cần được quan tâm. Giống trồng rừng gỗ lớn phải có chất lượng cao. Muốn vậy, Nhà nước phải nghiên cứu được giống tốt, chống chịu được gió bão”, ông Tú bày tỏ.

09-53-11_3
Cây gỗ lớn có giá trị tăng hơn 30% so với gỗ rừng trồng khai thác non (Ảnh: Đình Vũ)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, cho rằng để phát triển rừng gỗ lớn, các chủ rừng cần được hưởng những chính sách ưu đãi để kích thích. Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao cho ngành kiểm lâm tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, chính sách này sẽ được đưa ra trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, sau khi được HĐND thông qua, chính sách này sẽ được ban hành. “Sẽ có chính sách cho người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng gỗ lớn; các vùng rừng gỗ lớn sẽ được xây dựng đường lâm nghiệp; các chủ rừng sẽ được hỗ trợ lãi suất vốn vay và hỗ trợ làm chứng chỉ rừng. Riêng chính sách bảo hiểm rừng trồng chúng tôi không thể xây dựng được, bởi nó được quyết định từ phía ngân hàng”, ông Dũng cho hay.

Về nỗi khó trong việc làm bảo hiểm rừng trồng, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc phụ trách Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, bộc bạch: “Khi vay tiền ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn thì ngân hàng buộc mình phải mua bảo hiểm rừng trồng. Hiện có một số công ty của Agribank bán bảo hiểm rừng trồng, nhưng họ không mặn mà lắm với những khách hàng trồng rừng, nên đưa ra những điều kiện rất bất cập. Ví như nếu rừng bị gãy đổ do bão thì họ không bảo hiểm, lý do miền Trung thường xảy ra bão lớn nên họ không bảo hiểm khoản này, họ chỉ bảo hiểm cây gãy đổ do sét đánh hoặc bom đạn.

Thời buổi này bom đạn làm gì có, còn cây gãy do sét đánh thì có bao nhiêu! Hoặc cháy rừng do nguyên nhân bị sét đánh họ mới bảo hiểm, còn cháy do các nguyên nhân khác thì họ không. Sét thì trời mưa mới xảy ra, mà mùa mưa thì làm gì có chuyện cháy rừng! Năm ngoái Cty cũng có mua bảo hiểm rừng trồng, nhưng năm nay còn đắn đo, bởi những lợi ích không thiết thực”.

“Phát triển trồng rừng gỗ lớn phải song song phát triển công nghiệp nghề rừng. Hồi xưa, Trường Đại học Lâm nghiệp có hẳn 1 khoa Công nghiệp rừng thiên về công nghệ khai thác rừng, thời gian vừa qua công nghệ này đã bị lãng quên. Nếu trồng rừng gỗ lớn mà còn khai thác thủ công sẽ không mang lại hiệu quả, nhất thiết là phải đưa cơ giới vào”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc phụ trách Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn bày tỏ.
VŨ ĐÌNH THUNG - NGỌC KHANH/ Nongnghiep.vn