Nhà nước “tổ chức” cho nông dân và “uốn nắn” doanh nghiệp

Nhà nước “tổ chức” cho nông dân và “uốn nắn” doanh nghiệp
Để tạo ra được một ngành nông nghiệp có năng suất và sức cạnh tranh cao nhà nước phải đứng ra tổ chức cho nông dân và để giúp doanh nghiệp có chiến lược dài hạn.
Đây là nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) khi chia sẻ về mối quan hệ giữa thể chế, chính sách và môi trường đầu tư, quy mô nền kinh tế cũng như vai trò của nông dân trong ngành nông nghiệp.

Thể chế “uốn nắn” doanh nghiệp

Theo ông Trương Đình Tuyển, toàn cầu hóa không phải là “màu hồng” nhưng cũng không phải là cạm bẫy. Toàn cầu hóa sẽ tạo ra những cơ hội và đặt ra các thách thức. Có tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức hay không là do “chủ thể” quyết định. Chủ thể ở đây là nhà nước và doanh nghiệp.

Chỉ rõ cơ hội, ông Tuyển dẫn chứng: “Năm 2006, khi người ta biết Việt Nam sắp gia nhập WTO thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lần (lên đến 21 tỷ USD). Đến năm 2007, đầu tư nước ngoài tăng trên 62 tỷ USD. Rõ ràng, người ta biết chắc rằng khi gia nhập WTO thì thể chế, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trương Đình Tuyển, thực tế Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết những cơ hội, đồng thời chúng ta cũng chưa vượt qua tốt những thách thức. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Khách quan là năm 2007, thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, còn chủ quan là môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Do đó, “không tạo được động lực khuyến khích cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chi phí thủ tục hành chính quá lớn, kìm hãm huy động vốn trong tư nhân; hệ thống tài chính yếu kém làm cho nợ xấu tăng lên. Mô hình tăng trưởng không tạo ra nguồn cung mới, làm mất cân đối cung – cầu”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Điều mà Việt Nam cần làm hiện nay là phải điều chỉnh thể chế, ổn định thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. “Thể chế phải mang tính lợi ích dài hạn, đấy là tiền đề cho tăng trưởng. Trước mắt tạo ra thị trường lớn, thị trường rộng lớn bao nhiêu thì người ta đầu tư bấy nhiêu, từ đó tạo ra quy mô của nền kinh tế”, ông Trương Đình Tuyển phân tích.



Phải lấy lợi ích của nông dân làm nền tảng cho chiến lược phát triển ngành nông nghiệp
Theo các chuyên gia, trước mắt, luật lệ phải minh bạch, dễ hiểu, nhất quán hơn, không có chuyện luật ra phải chờ thông tư hướng dẫn. Thủ tục phải đơn giản nhất, nhanh nhất, tạo điều kiện cho người dân giám sát, góp ý xây dựng chính sách. Thể chế, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng của người dân, của nhà đầu tư mới đem lại lợi ích lâu dài.

Còn đứng về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam có “truyền thống” xấu là kinh doanh theo kiểu cơ hội, nhiều doanh nghiệp luôn chực chờ lợi dụng sự thay đổi của chính sách để trục lợi mà không có chiến lược bài bản. Ở đây có phần lỗi của nhà nước, bởi chính sách của nhà nước không ổn định, hay thay đổi.

“Khi thể chế đã ổn định, minh bạch sẽ buộc doanh nghiệp hành động theo một chiến lược dài hạn hơn. Lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau đó sẽ phát triển bền vững. Đó là con đường chúng ta cần phải đi, không có con đường nào khác”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Tập hợp nông dân, tập trung ruộng đất

Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành nông nghiệp theo sức của mình nhưng không thể bằng nông dân đơn lẻ. Chúng ta không thể tạo ra được một ngành nông nghiệp có năng suất và sức cạnh tranh cao nếu như xuất phát từ những hộ nông dân rời rạc.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, một nội dung cực kỳ quan trọng cần phải đưa vào trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để làm được điều này nhà nước phải đóng vai trò tổ chức chứ không thể phó mặc cho nông dân được.

Theo ông Trương Đình Tuyển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải có hai điều kiện. Thứ nhất, phải tạo ra vùng sản xuất có quy mô lớn và đất đai được tập trung. Qua đó, áp dụng các mô hình khác nhau, mà một trong các mô hình đó là tạo “doanh nghiệp cổ phần tại nông thôn”, trong đó nông dân có thể góp vốn cổ phần bằng đất, đồng thời làm lực lượng lao động chính.

Thứ hai, nông dân phải tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến, phân phối và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị đó. Cùng với điều kiện thứ nhất sẽ khắc phục được sự mất cân đối trong lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân hiện nay.

Chuyên gia tư vấn đầu tư nông nghiệp Nguyễn Thễ Hà cho rằng, hiện nay cái khó đều “đẩy” cho nông dân, trong khi nguồn lực xã hội lại không tập trung cho nông dân. Cũng theo ông Hà, người ta không đánh giá đúng đóng góp của nông dân mà cụ thể là định phí của từng hộ nông dân không được tính, từ đó tính sai giá trị hàng hóa mà nông dân tạo ra.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, hiện nay nhiều địa phương cũng đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng thực tế lại là “bình mới, rượu cũ”. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, vấn đề nằm ở tư duy, nếu tư duy sai thì kéo theo hành động sai. Đơn cử, việc tạm trữ lúa như bấy lâu nay là không đúng, mà phải tồn trữ căn cơ.

Ông Nguyễn Thễ Hà cho rằng, trách nhiệm xã hội đối với nông dân, trách nhiệm doanh nghiệp và trách nhiệm nhà nước đối với nông dân phải thay đổi, nông dân phải được nhìn nhận đúng với vai trò và đóng góp của họ đối với ổn định xã hội. Từ đó đưa ra chính sách lấy lợi ích của nông dân làm nền tảng cho chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.
Theo toquoc.gov.vn