Nhà sáng chế chân đất
- Thứ tư - 14/06/2017 20:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bởi anh xuất thân từ nông dân, gia đình và những người thân thuộc chung quanh anh ở vùng đất Lạc Lâm thuộc tỉnh Lâm Đồng. Làng này đều có nghề nông trồng rau, hoa màu, trải qua bao thế hệ rồi vẫn lam lũ, canh tác theo nếp cũ, bản thân Nguyễn Hồng Chương cũng thế. Từ khi những cỗ máy anh sáng chế, xuất xưởng, hiệu năng bằng mười người làm thủ công, giải quyết sức lao động, bà con nhà nông mừng lắm.
Anh đang dựng nhà kiến trồng rau (theo chương trình công nghệ cao) tại vuông đất sau xưởng máy của mình. Thấy tôi, Chương dừng tay nói: Em đang làm nhà kiến, trồng rau cao cấp. Tôi hỏi, sao bạn không thuê các cơ sở làm chuyên nghiệp. Anh bảo: Mình tự làm thì giảm được gần nửa giá thành đấy anh ạ!
"Nhà sáng chế" Nguyễn Hồng Chương (bên trái) cùng chiếc máy nông cụ của mình
Trong cơ xưởng vẫn đang đỏ điện, gần 10 công nhân cần mẫn lắp ráp máy, dường như các chú thợ không quan tâm đến khách. Chương dẫn tôi đi xem từng chiếc máy đang lắp ráp chuẩn bị xuất xưởng. Anh phân trần: Cái khó nó ló cái khôn anh à. Em nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ cha mẹ trồng rau, khi ra ở riêng thì được cha mẹ cho mấy trăm thước đất làm hỳ hục quanh năm không đủ ăn. Nhìn bà con chung quanh mình ai cũng thế, người có nhiều đất cũng khổ, vẫn quanh quẩn theo nếp cũ, nhất là trồng rau phải tưới tiêu, phun thuốc vô cùng vất vả. Em nẩy ra ý tưởng cải tiến cái cần (vòi) phun thuốc và phi nước di động. Thành công đến với em bất ngờ, chỉ trong 10 phút xịt được 8 ngàn mét vuông, anh ạ!.
Khi thị trường rau tiêu thụ mạnh, công nghệ sản xuất rau sạch đưa về các vùng rau, nhưng bà con vẫn làm thủ công, các cơ sở gieo ươm cây con mở ra, bạn anh phải sang bên Úc tìm mua máy, từ ấy Chương nghĩ ra cách làm máy gieo hạt. Năm 2008 chiếc máy gieo hạt đầu tiên của anh làm ra hơn hẳn máy nhập ngoại, giá thành chỉ bằng 1/3. Các cơ sở trồng rau và hoa vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) và các tỉnh phía Bắc cũng tìm đến anh mua máy, lắp ráp không kịp bán. Tin lành đồn xa, mấy ông làm vườn ở tận Mã Lay, Miến Điện, Lào, Campuchia…cũng tìm đến thăm quan, đặt hàng. Đến nay anh đã xuất khẩu sang 6 nước khu vực châu Á, với hàng trăm máy, thiết bị nông cụ, có thương hiệu uy tín.
Sử dụng máy vòi phun thuốc đã tiết kiệm được nhiều công lao động
Sau loạt máy gieo hạt, Chương nghĩ ra máy đóng bầu đất, vô vỉ xốp. Và một bất ngờ không kém máy gieo hạt, một ngày (10 giờ) máy làm được 8.000 vỉ, thay cho 10 công lao động thủ công. Sau máy đóng bầu vỉ xốp, anh nghiên cứu thành công máy trộn giá thể và máy đóng đất vô chậu. Máy trộn giá thể đạt công suất một giờ 4m3, thay cho 10 lao động thủ công. Đặc biệt máy vô chậu, đạt công suất một ngày 12 ngàn chậu, thay cho 15 công lao động.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016 anh nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền máy đánh bóng, phân loại quả cà chua. Cách đây hai hôm, anh tham gia hội thi: ý tưởng sáng tạo nhà nông cấp tỉnh và xúc tiến đăng ký bản quyền sáng chế. Động cơ dẫn đến việc anh nghĩ ra và chế tạo thành công chiếc máy cũng từ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Chương kể rằng: một hôm anh vào vựa cà chua thấy nhiều người làm việc tuyển chọn, lau rửa, đóng gói… mất thời gian và tốn công sức lao động, trong khi đó diện tích và sản lượng cà chua của toàn huyện có năm gieo trồng 8.000ha, sản lượng trên 400 ngàn tấn và có 8 chủ vựa trong vùng chuyên mua bán cà chua. Qua một đêm, anh nẩy ra ý tưởng phải làm ra máy tuyển chọn cà chua thay thế lao động thủ công.
Ấy vậy, sau 20 ngày vừa nghiên cứu vừa chế tạo, anh lắp ráp thành công hệ thống máy tuyển chọn cà chua, từ đầu vào đến đầu ra. Từ thùng đựng quả, băng chuyền tự động, bộ phận sàng lọc các loại chất bẩn như bụi đất, cuốn lá, quả thối, hư hỏng… sau đó qua bộ phận rửa lau khô, hong sấy, đánh bóng và cuối cùng phân loại đóng gói. Riêng bộ phận phân loại có 3 cỡ, bộ phận này tuyển chọn thủ công mất thời gian và không đồng đều. Và năng suất cũng vô cùng bất ngờ, đạt 20 tấn quả/ngày (8 giờ), thay cho 20 công lao động.
Anh cho biết, năng suất có thể tăng gấp đôi, hoặc cao hơn nhưng nhu cầu của các chủ vựa hiện nay chỉ tầm ấy. Máy cũng tuyển chọn được các loại quả tương đương như hồng, chanh, quít… Giá thành mỗi dây chuyền máy khoảng trên 100 triệu đồng.
Chương thổ lộ: “Từ nhỏ em đã tò mò, say mê tháo ráp các loại máy cũ như đồng hồ, đồ diện, máy nổ… sau này lập gia đình thấy khổ quá nên nghĩ ra cách sửa máy để kiếm sống”. Từ một cửa hàng vỏn vẹn 20m2, đến nay Chương mở cơ xưởng trên ngàn mét vuông, 10 thợ do anh đào tạo, trả lương 5-7/triệu đồng/người/tháng.
Nhìn cơ xưởng của anh ngày càng ăn nên làm ra, bề thế, bất giác tôi liên tưởng đến các vị giáo sư, tiến sĩ nhan nhản, nhưng có mấy ai thành công như "Người sáng chế chân đất" làm ra những cỗ máy phục vụ thiết yếu cho nhà nông.
Phạm Thái/TBDN