Nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ hai - 21/05/2018 03:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao đã đươc TPHCM xác định là hướng đi chủ yếu của ngành nông nghiệp TP trong thời gian tới.
Vì vậy, ngoài vốn vay, nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Nâng chất lượng nguồn nhân lực nông thôn
Nền nông nghiệp cả nước từ bao lâu nay vẫn phụ thuộc vào lực lượng lao động dựa trên kinh nghiệm theo kiểu “lão nông tri điền”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), sự hạn chế về trình độ người lao động ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp cận khoa học - công nghệ. Có thể nói, đây là rào cản lớn trong việc xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, do thiếu hụt lao động có kỹ năng chuyên môn cho nền nông nghiệp 4.0. Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và nâng chất nền nông nghiệp cả nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Với TPHCM, nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong nền nông nghiệp đô thị để nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi hécta đất cũng như nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ngoại thành, cuối năm 2017, UBND TPHCM phê duyệt “Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2018-2020”.
Mục tiêu của kế hoạch này là hình thành và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có trình độ chuyên sâu với kiến thức, kỹ năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao; kỹ năng quản lý; năng lực tiếp nhận, làm chủ công nghệ để ứng dụng và phát triển thực tế sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao của TP. Lĩnh vực đào tạo công nghệ cao phù hợp nền nông nghiệp đô thị như công nghệ sinh học, chăn nuôi (bò sữa, bò thịt, heo), trồng trọt, cá cảnh, nuôi trồng thủy sản (đặc biệt lĩnh vực nghiên cứu về giống, di truyền giống, di truyền phân tử và quản lý sản xuất giống), bảo vệ thực vật, thú y, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản...
Theo kế hoạch, sẽ có gần 3.000 lao động nông nghiệp được đào tạo trong giai đoạn này, để có thể tham gia từng khâu trong chuỗi sản xuất khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Những lao động này sẽ được bố trí làm việc tại những hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những nơi có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, TP cũng đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành thiết bị cho khoảng 1.800 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, cán bộ cấp cơ sở, người quản lý hợp tác xã, kỹ thuật viên, chủ doanh nghiệp, để có thể làm chủ công nghệ trong lĩnh vực; giúp cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Kế hoạch này cũng sẽ đào tạo 20 thạc sĩ và tiến sĩ về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại các viện, trường trong và ngoài nước…
Ưu tiên ngành nghề thế mạnh
Tại buổi gặp gỡ các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đào tạo, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM nhấn mạnh, việc đào tạo cho nông dân là hết sức quan trọng. Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm triển khai việc đào tạo này. Cần thông báo các nơi để đăng ký, nắm bắt nhu cầu cụ thể. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn dưới 3 tháng gồm: Cán bộ kỹ thuật trong ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp TP, các hợp tác xã và bà con nông dân. Những người được đào tạo sẽ cùng với ngành nông nghiệp TP đào tạo tiếp cho những nông dân khác theo kiểu nhân rộng. Mời những cá nhân giỏi chuyên môn trong từng lĩnh vực tham gia giảng dạy và áp dụng ngay trên thực tiễn.
Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Hoài Nam, có thể nói là chuyên gia về tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ cao, thuần thục cả lý thuyết và thực hành, năng suất có thể đạt 180 tấn/ha/năm. Ông Nam cho biết sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho bà con. Phần lý thuyết chỉ cần học trong 2 ngày, nhưng cần thực hành cả tháng ngay tại trang trại của ông để nắm chắc các thao tác và các bước. Tương tự, về kỹ thuật nuôi bò sữa, ở TPHCM và cả nước không có nhiều người am hiểu tường tận và toàn diện (từ kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng bệnh, cho đến thức ăn, đặc biệt là thức ăn tổng hợp TMR) như chuyên gia Thạc sĩ Vương Ngọc Long, vốn xuất thân từ Chương trình hợp tác bò sữa Việt - Bỉ thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, từng làm việc cho Vinamilk. Về trồng trọt, có Công ty Nông Phát chuyên về dưa lưới sẵn sàng hợp tác... Những cá nhân hay đơn vị này là hạt nhân giúp đào tạo, sẽ được mời tham gia giảng dạy cả lý thuyết và thực hành.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trước mắt tập trung những nhóm chủ lực mà TP có nhiều lợi thế để tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn như chăn nuôi bò sữa, heo thương phẩm, nuôi tôm nước lợ, cá cảnh, trồng rau an toàn, hoa nhiệt đới, cụ thể là lan mokara và dendrobium. Theo ông Nguyễn Phước Trung, đây là những nhóm hàng tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Điều quan trọng là sau khi đào tạo, người lao động có thể thực hành ngay, làm được và bán sản phẩm ra thị trường. Trước mắt, tập trung đào tạo vào những lĩnh vực này, sau đó triển khai thêm nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác ở nông thôn. Việc đào tạo chuyên sâu, dài hạn sẽ được chọn lọc kỹ càng hơn, ưu tiên những đề tài nghiên cứu mới và có thể áp dụng vào thực tiễn TPHCM.
Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Vì vậy, phải nâng tỷ lệ nhân lực được đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020.