Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn
- Thứ ba - 10/04/2018 10:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng hành cùng nông dân Xác định là thử nghiệm cho nên vụ đông xuân 2015 - 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên (gọi tắt là Công ty Trường Hương), chỉ triển khai phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên trên diện tích hơn 4 ha, tại địa bàn hai xã Thanh Yên, Sam Mứn (huyện Điện Biên). Tham gia mô hình, các nông hộ được hỗ trợ 100% mạ, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật cấy, chăm sóc lúa và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Nói về kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp này, anh Nguyễn Gia Tuấn, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty Trường Hương cho biết: Đây là cách cấy một hàng sông hẹp cách nhau khoảng 15 cm lại cấy một hàng sông rộng cách nhau khoảng 40 cm, khóm cách khóm khoảng 15 cm, trung bình khoảng từ 13 đến 16 khóm/m2. Phương pháp này phát huy được hiệu ứng hàng biên giữa hai hàng sông rộng, ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân lúa, kích thích lúa phát triển nhanh, đẻ sớm và ít sâu bệnh. “Về khoa học là vậy, nhưng khi mới triển khai không hề dễ dàng vì bao đời nay người nông dân trên đất Điện Biên chỉ quen với cách làm gieo vãi rồi chờ ngày thu hoạch, cho nên người của công ty đã phải đi lại rất nhiều lần để thuyết phục người dân góp đất làm thử nghiệm. Lãnh đạo công ty còn phải cam kết, nếu năng suất thấp hơn cách truyền thống thì công ty sẽ bù phần thấp hơn, bà con mới chịu đấy”, anh Nguyễn Gia Tuấn cho biết thêm. Sau mấy tháng cùng nông dân ra ruộng làm đất, gieo lúa, bón phân, Công ty Trường Hương có một mùa vàng rực rỡ. Năng suất lúa cao hơn cách làm truyền thống khoảng 20%, chất lượng gạo cũng tốt hơn, mà quan trọng là hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên gạo. Là một trong 14 gia đình đầu tiên tham gia mô hình, chị Quàng Thị Lợi, bản Noong Vai, xã Thanh Yên cho biết: “Cấy theo phương pháp mới này thuận lợi, giảm chi phí rất nhiều cho người nông dân trong chăm sóc lúa. Lúc đầu tham gia chúng tôi rất băn khoăn vì cấy theo phương pháp mới số khóm/m2 giảm, phân bón cũng giảm, không biết cây lúa có phát triển tốt không, năng suất có cao như cán bộ kỹ thuật nói không. Sau khi được cán bộ của công ty hướng dẫn về kỹ thuật và động viên, gia đình tôi cũng yên tâm hơn. Và kết quả thật tốt, năng suất trung bình đạt 68 tạ/ha, cao hơn nhiều so với gieo sạ”. Thành công trên mô hình thử nghiệm, vụ mùa năm 2016, Công ty Trường Hương mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 10 ha lúa cấy theo phương pháp này, đồng thời công ty chủ trương mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn hai xã Thanh Yên, Thanh Hưng. Ông Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Trường Hương, cho biết: Sau những bước thử nghiệm thành công kỹ thuật mới, chúng tôi có thêm động lực triển khai trên cánh đồng lớn. Cùng với đó công ty sẽ thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp, hướng tới sản xuất ổn định, bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhân rộng mô hình Tiên phong xây dựng cánh đồng lớn là huyện Điện Biên, bởi đây là huyện có điều kiện thuận lợi hơn cả với hệ thống kênh, mương thủy lợi được đầu tư cơ bản bảo đảm phục vụ sản xuất; người dân có kỹ thuật thâm canh lúa nước, nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường. Năm 2017, có 310 hộ dân tại các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh An, Noong Hẹt, Pom Lót, Sam Mứn tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn. Trong đó, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trên diện tích 31 ha tại thôn Yên Trường, Thanh Trường (xã Thanh Yên). Để nông dân yên tâm sản xuất trên cánh đồng lớn, tỉnh Điện Biên đã ban hành chính sách ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Minh Hải cho biết: Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 25/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyết khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tối đa không quá 30% kinh phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, và 50% kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng. Đối với tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hợp đồng. Còn với nông dân được hỗ trợ một lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên. Nhờ thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn, năm 2017, sản lượng lương thực toàn huyện Điện Biên đạt con số kỷ lục 93.007 tấn (đạt 100,66% kế hoạch, tăng 488,44 tấn so với năm 2016). Thành công ban đầu của mô hình cánh đồng lớn tại huyện Điện Biên, phần nào cho thấy, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững với huyện Điện Biên nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung. Đây cũng là cơ sở để vụ đông xuân 2017 - 2018, tỉnh Điện Biên triển khai xây dựng sáu mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 201 ha tại hai huyện là Điện Biên và Tủa Chùa, phấn đấu đến năm 2026, quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt 2.428 ha, thu hút 9.582 hộ dân tham gia, từng bước đưa nông nghiệp Điện Biên phát triển theo hướng bền vững và hiện đại. |
Bài và ảnh: LÊ LAN/ BÁO NHÂN DÂN |