Nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho khu vực nông nghiệp nông thôn
- Thứ tư - 17/10/2018 03:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Trần Văn Giàu (thứ hai từ trái sang) vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện tới thăm quan mô hình trồng cam Vinh tại xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội)
Ưu đãi nguồn vốn vay
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2018/NÐ-CP, quyết định tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm theo nhiều mức khác nhau. Cụ thể, các cơ sở tín dụng được phép cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (quy định cũ tối đa 50 triệu đồng), trừ trường hợp cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn sẽ được vay tối đa 200 triệu đồng (quy định cũ tối đa 100 triệu đồng).
Ngay sau khi Nghị định mới được ban hành, nhiều người dân tỏ ra đồng tình, ủng hộ và mong muốn mau chóng tiếp cận được với nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Nói về chính sách mới được ban hành, anh Trần Văn Giàu, chủ trang trại trồng cam Vinh tại xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ: Đa số bà con nông dân sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn đều mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trước đây, để vay được vốn từ các tổ chức tín dụng phải mất rất nhiều thời gian và cần nhiều loại giấy tờ để đảm bảo. Nếu chính sách mới ban hành quy định không cần tài sản thế chấp, các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn được vay tối đa 200 triệu đồng thì sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các hộ nông dân mở rộng quy mô trang trại, đầu tư nhiều hơn các trang thiết bị công nghệ cao để phục vụ sản xuất.
Hiện vườn cam của anh Giàu có diện tích 12ha, được trồng từ năm 2005, mỗi năm, anh Giàu lại thuê thêm diện tích đất của các hộ dân xung quanh để mở rộng quy mô trang trại. Theo dự tính của anh Giàu, trong thời gian tới nếu được tiếp cận với nguồn vốn mới, anh sẽ vay thêm vốn để tập trung đầu tư các loại máy tưới nước tự động và một số loại máy móc chuyên dụng phục vụ trong nông nghiệp. "Theo quy định, đến ngày 25/10/2018 Nghị định 116/2018/NÐ-CP sẽ có hiệu lực, trong khoảng thời gian này, tôi sẽ nghiên cứu thêm về các điều kiện vay vốn và thủ tục pháp lý cần thiết. Hy vọng, những người nông dân như chúng tôi mau chóng được tiếp cận với nguồn vốn.
Nên lập quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân
Để hỗ trợ người dân tiếp cận được với các nguồn vốn về lâu dài, theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ của Chính, các ngân hàng cần xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn công khai, minh bạch để người dân dễ dàng tiếp cận.
Mặt khác, để giảm thiểu rủi ro đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ nên lập quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân, giao cho một đơn vị độc lập nắm giữ, phối hợp với các tổ, nhóm nông dân và ngân hàng để giải ngân. Hơn nữa, để vay được vốn của ngân hàng bằng tín chấp, nông dân nên thuê một đơn vị tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm tính khả thi, đồng thời, có sự phối hợp với ngân hàng để cùng thẩm định dự án đó.
Bày tỏ quan điểm về chính sách hỗ trợ nông dân được vay vốn mở rộng sản xuất mới được Chính phủ ban hành, ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đông Anh cho biết: Hiện nay dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại ngân hàng này lên tới 7.000 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đã bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận chính sách ưu đãi tín dụng, nâng hạn mức cho vay với nông dân, hộ gia đình lên 200 triệu đồng… Đây là cơ sở để ngân hàng đưa thêm vốn vào phát triển nông nghiệp và thuận lợi cho người dân khi vay vốn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là dự án của người dân phải hiệu quả và bảo đảm có lãi. Phía ngân hàng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng để bảo đảm sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả tích cực.
Anh Trần Văn Giàu (thứ hai từ trái sang) vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện tới thăm quan mô hình trồng cam Vinh tại xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội)