Nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn dược liệu sạch

Nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn dược liệu sạch
Hiện nay nguồn nguyên liệu để sản xuất dược phẩm của nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào NK. Nhiều nguyên nhân được kể đến trong đó nguyên nhân không nhỏ từ việc nguồn dược liệu trong nước chưa đảm bảo chất lượng. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách các DN Việt cần phát triển nguồn dược liệu sạch để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Vùng trồng Atiso tại Sa Pa đang được đầu tư bài bản. Ảnh: DN.

Nhiều dự án phát triển

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Số loài cây thuốc theo dự đoán có thể lên đến trên 6.000 loài. Nhưng nguồn dược liệu này đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn. Trong khi đó, nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng phát triển nên dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Chính vì thế mà nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10- 20% nhu cầu, còn lại phải NK, chủ yếu từ Trung Quốc.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, hình thành những vùng trồng dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng, theo đại diện Tập đoàn TH, hiện TH đã và đang nghiên cứu, chế biến thành công các dược liệu 100% Việt Nam như gấc, rau má, lạc tiên… tại Nghĩa Đàn, Yên Thành (Nghệ An). Đến nay, những cánh đồng dược liệu này đã đạt chứng nhận organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. TH cũng đã thiết lập thành công chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ khâu trồng trọt đến sản phẩm cuối cùng. Hiện nhiều sản phẩm chiết xuất từ thảo dược đã được tập đoàn này xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nga.

Với Traphaco Sapa, theo ông Lê Quân, Phó giám đốc, DN đang phát triển vùng trồng dược liệu sạch tại Sa Pa (Lào Cai). Để sự phát triển được bền vững DN đã cung ứng miễn phí giống cây, cầm tay chỉ việc kỹ thuật nuôi trồng, đến cho vay vốn để mua phân bón, lắp hệ thống nước tưới tiêu và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân tại đây. Nếu như năm 2001 chỉ vài hộ dân canh tác trên diện tích 3-5 ha với sản lượng vài trăm cân lá, đến nay, diện tích trồng lên tới 50 ha và cho sản lượng 2.000 tấn lá/năm. Vườn trồng actiso theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái) đã phát triển tại các thị trấn Sa Pa, Tả Phìn và Sa Pả với 90% số vườn là của dân tộc ít người Mông, Dao.

Theo ông Quân, mô hình liên kết được Traphaco Sapa triển khai tại Lào Cai đã giúp các hộ gia đình dân tộc thiểu số tăng thu nhập lên gấp 3-5 lần so với canh tác truyền thống trước đây. Người dân thay vì canh tác tự phát, thu nhập bấp bênh nay đã có công việc ổn định, đảm bảo đời sống, tăng thu nhập.

Còn theo bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của dự án BioTrade, Dự án đang triển khai vùng trồng quất dược liệu tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nhằm tạo ra được nguồn nguyên liệu an toàn, đạt chuẩn để sản xuất siro ho, cảm cúm. Mục tiêu là phát triển được 50 chuỗi giá trị dược liệu, trước hết theo tiêu chuẩn sạch, an toàn về sản xuất, ví dụ như: GACP-WHO hoặc Organic…, sau đó sẽ nâng lên tiêu chuẩn BioTrade, là tiêu chuẩn cao hơn, đòi hỏi cả cam kết bền vững và trách nhiệm xã hội của DN. "Dự án đã nghiên cứu nhiều vùng để sắp tới xây dựng các vùng dược liệu sạch, nhằm giúp các DN dược Việt Nam có được nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đồng thời bảo tồn các cây làm thuốc ở Việt Nam không bị mất nguồn gen quý hiếm thông qua trồng trọt và thu hái bền vững", bà Hương nói.

Về thăm vườn trồng của Dự án BioTrade, qua quan sát, phóng viên nhận thấy với phương thức canh tác, chăm bón, thu hoạch được giám sát chặt chẽ, quất ở đây được trồng theo phương pháp tự nhiên, ra quả quanh năm. Cây quất ở vùng dược liệu này tuy không đẹp về mẫu mã nhưng rất an toàn vì không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật mà được sử dụng phân bón hữu cơ làm từ bột đậu tương, để bảo đảm cây sinh trưởng phát triển tốt, không làm ảnh hưởng sức khỏe người trồng và người dùng.

Chủ động hợp tác với DN

Để phát triển dược liệu sạch ngoài tự thân DN phải dần khẳng định thương hiệu, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược mỹ phẩm CVI cho rằng, các nhà khoa học, các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội để DN tiếp cận công nghệ mới, giống mới để di thực trồng thuần hóa tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu phải gắn liền thực tế và có chiến lược cụ thể. Chủ động hợp tác DN trong triển khai đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, chủ động hợp tác người dân để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật làm thuốc.

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, để phát triển dược liệu một cách bền vững, có hệ thống, cần sự quyết tâm chính trị của chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành liên quan. Mọi nguồn lực cần được huy động để đầu tư cho phát triển dược liệu, trong đó, nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư phát triển vùng trồng, sơ chế, chế biến dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu; nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư nghiên cứu, cải tiến quy trình, kỹ thuật sản xuất giống và trồng dược liệu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm kỹ thuật cao.

D. Ngân/ Báo Hải Quan