Nhiều giống cây, con mới 'ra lò' từ Nghị quyết 120 của Chính phủ
- Thứ bảy - 13/04/2019 12:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Giống là một trong 3 khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL (ảnh: Minh Phúc). |
Nội tại kém bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải chịu các tác động ba chiều pha trộn, cộng hưởng từ biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển thượng nguồn và phát triển kinh tế nội tại kém bền vững.
Theo dự báo, tốc độ sụt lún trung bình đến năm 2040 của ĐBSCL là 1,5 – 3cm/năm nếu không kiểm soát được khai thác nước ngầm, mực nước ngầm giảm trung bình khoảng 0,2 – 0,4m/năm.
Nguy cơ ngập khoảng 38,9% diện tích khi nước biển dâng 1m theo kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, kéo theo hàng loạt nguy cơ về ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn, thiếu nước vào mùa khô.
Trước những kịch bản trên, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần phải phát triển theo 3 vùng của Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL. Dựa vào biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành 3 vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt.
Đặc biệt, phải xoay trục chiến lược sang nuôi trồng thuỷ sản là quan trọng nhất, sau đó đến trái cây, lúa gạo; phát triển ĐBSCL thành vùng cung ứng các mặt hàng chủ lực này cho thế giới, vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.
Muốn làm được điều đó, phải ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu yếu nhất là giống, thức ăn và chế biến. Đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực. Đến năm 2030 làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.
Nhiều giống mới thích ứng biến đổi khí hậu ra đời
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Hiện nay, nhiều chương trình khoa học đang tập trung theo hướng nghiên cứu các giống lúa chịu mặn, giống chất lượng cao và giống chống chịu điều kiện bất thường (chống đổ, chống chịu sâu bệnh).
Trong 3 năm qua, chúng ta đã nâng được tỷ lệ giống lúa chất lượng từ 54% lên 64% giống lúa thơm, giống đặc sản chất lượng cao. Lượng giống giả giảm từ 27% xuống còn 17%.
Đối với nhóm cây ăn quả thì vẫn còn nhiều bất cập, bà con trồng chủ yếu là các giống địa phương. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi đã đề xuất các nhiệm vụ khoa học theo hai hướng, thứ nhất là phục tráng các giống địa phương để cải thiện chất lượng giống, và tiếp tục lai tạo, cải tạo các giống mới theo hướng chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh.
Nhiều giống mới đã ra đời từ Nghị quyết 120 của Chính phủ. |
Qua đó, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng tạo ra được giống nhãn kháng bệnh chổi rồng (là bệnh đang tàn phá nghiêm trọng các vùng nhãn ở ĐBSCL), thanh long ruột vàng (mở rộng thị trường xuất khẩu) và xoài vỏ dầy (để tăng cường khả năng bảo quản trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu).
Bên cạnh đó, ngành trồng trọt cũng đang quyết liệt chỉ đạo, giám sát chất lượng cây giống, bởi khu vực ĐBSCL mỗi năm chuyển đổi, trồng mới và thay thế từ 7.000 – 10.000 ha cây ăn quả. Nếu không quản lý tốt chất lượng cây giống thì rất nguy hiểm.
Đa dạng mô hình nuôi trồng thuỷ sản
Đối với lĩnh vực chọn tạo giống thuỷ sản thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, cho biết: Thời gian qua Tổng cục đã chủ động lồng ghép các đề tài khoa học để nghiên cứu chọn tạo giống cá tra theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh gan thận mủ; chọn giống tôm sú tăng trưởng nhanh (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 2 đang thực hiện); giống tôm thẻ chân trắng thích ứng biến đổi khí hậu (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 3 đang thực hiện). Ngoài ra, các viện nghiên cứu cũng đã tập hợp được dòng bố mẹ của một số đối tượng (cá vược, cá chim,...) cho sinh sản để phục vụ nuôi biển số lượng lớn.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (ảnh: Minh Phúc) |
Riêng đối với các kết quả nghiên cứu, chọn tạo giống tôm sú tăng trưởng nhanh, tôm thẻ chân trắng kháng bệnh và cá tra bố mẹ, rất vui là thời gian vừa qua đã có những liên kết trong việc chuyển giao giống giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp. Ví dụ như các công ty Nam Việt, Công ty Vĩnh Hoàn... đã ký hợp đồng nhập đàn cá tra bố mẹ từ chương trình nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình nuôi tôm giống lớn cũng đã được doanh nghiệp triển khai, và thông qua liên kết với các hộ nuôi trồng thuỷ sản đã liên kết chuỗi rất chặt chẽ.
Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm ở vùng thượng nguồn ĐBSCL cũng đang được triển khai rất mạnh. Điển hình như tỉnh Kiên Giang, năm vừa qua đã chuyển đổi tới 4.000 ha rất thành công. Ngoài vùng ven biển, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay đang trên đà phát triển rất mạnh, hiện nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm.
Khu vực rừng ngập mặn thì phát triển nhiều mô hình nuôi ốc len, sò huyết. Hiện nay Công ty Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Trấn Phú đang làm kế hoạch phát triển dự án nuôi biển rất lớn (50 lồng nuôi của Nauy) tại Kiên Giang; Tập đoàn Mavin cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Kiên Giang xin 2.000 ha để phát triển nuôi biển.