Nhiều hỗ trợ để giảm nghèo bền vững
- Thứ năm - 27/10/2016 05:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được sử dụng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc Chương trình 30a, xã ĐBKK và thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện nghèo, xã ĐBKK thuộc Chương trình 30a, xã ĐBKK và thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án.
Nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất. Cộng đồng có thể là nhóm hộ, tổ nhóm hợp tác do các tổ chức đoàn thể làm đại diện, hoặc thôn, bản, được UBND cấp xã quyết định công nhận (trong đó tỷ lệ hộ không nghèo tham gia nhóm hộ, tổ, nhóm hợp tác tối đa là 20%).
Cụ thể, về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Đối với dự án trồng trọt, hỗ trợ giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đối với dự án chăn nuôi, hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, vắc xin tiêm phòng; đối với dự án lâm nghiệp, hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất; đối với dự án nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ giống, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản.
Hỗ trợ dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm: Thực hiện theo các quy định hiện hành. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Đối với hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo, ngân sách nhà nước hỗ trợ trọn gói để thực hiện mô hình theo hình thức hỗ trợ dự án.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Dự thảo quy định đối tượng hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; ưu tiên đối tượng là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Theo đó, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài. Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Đào tạo nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học; giáo dục định hướng theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khoá học; tiền ăn trong thời gian đào tạo mức 40.000 đồng/người/ngày; tiền ở mức 200.000 đồng/người tháng.
Cùng với đó, hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hộ chiếu, lý lịch tư pháp theo mức quy định hiện hành của Nhà nước; lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động; chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Báo Chính Phủ