Nhiều nơi xây dựng NTM huy động nông dân đóng góp như 'sưu cao thuế nặng'
- Thứ sáu - 29/07/2016 06:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn ĐBQH Hòa Bình) xung quanh câu chuyện xây dựng nông thôn mới trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng nay 29/7.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn ĐBQH Hòa Bình)
Trăn trở về xây dựng nông thôn mới
Về công tác xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH Kiên Giang) đề cập đến những thách thức mà “vựa lúa” đồng bằng Sông Cửu Long đang phải gánh chịu.
Đại biểu Kim Bé cho rằng, theo kịch bản biến đổi khí hậu, đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực tế, điều này đã xảy ra, để lại hậu quả rất khắc nghiệt. Đã có 11/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng; 9/13 tỉnh công bố thiên tai; 52 nghìn ha đất trồng lúa bị mất trắng; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái của đồng bào bị mất trắng vì hạn hán và xâm nhập mặn; nhiều kilomet bờ biển, bờ sông bị sạt lở; đời sống nhân dân đã khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn.
Theo dự báo, thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nặng nề hơn nhưng cử tri lại rất bất an trước thực trạng đê bao chống xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long còn quá ít. Trong điều kiện nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về không đủ cho đồng bằng Sông Cửu Long thì sẽ gia tăng tình trạng xâm nhập mặn.
“Vì thế, cử tri đồng bằng Sông Cửu Long đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ ưu tiên sớm bố trí đủ nguồn lực để đầu tư cho các công trình cấp bách ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là các công trình ở vùng biển tây mà một số lãnh đạo đã trực tiếp đến khảo sát để đồng bằng Sông Cửu Long sớm quay lại với hình ảnh mượt mà của cánh đồng lúa, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” – đại biểu Kim Bé nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương sớm quy hoạch lại đồng bằng Sông Cửu Long để hướng dẫn bà con nông dân trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với từng vùng, tránh cảnh bà con tranh chấp tìm kế sinh nhai theo kiểu tự phát, nuôi con tôm, trồng cây lúa như vừa qua.
Cũng đề cập đến một vướng mắc đang làm giảm nguồn lực đóng góp của nhân dân vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Hồng Phong (ĐoànHậu Giang) cho biết, hộ gia đình, cá nhân hiến đất ở phục vụ Chương trình, sau đó đề nghị xin được dịch chuyển đất sang vị trí liền kề với những lý do như: diện tích đất ở sau khi hiến đất nhỏ, không đủ để ở nên xin dịch chuyển sang vị trí liền kề; đất ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được định vị ở một vị trí nhưng nhà ở thực tế thì lại ở một vị trí khác; hộ gia đình, cá nhân ở ven sông khiến đất thổ cư bị ảnh hưởng, khi làm thủ tục chuyển sang vị trí khác thì gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đại biểu Phạm Hồng Phong, tại Điều 52, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Một là, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hai là, yêu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều luật này đã được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 43 ngày 15.5.2014 của Chính phủ chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, không quy định cho trường hợp hiến đất và cho tặng đất.
Để bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, cũng là trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai, đại biểu Phạm Hồng Phong kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 43, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong 3 trường hợp nêu trên để thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhiều nơi xây dựng nông thôn mới chạy theo thành tích
Cũng có nhiều trăn trở với chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho biết, theo báo cáo của Chính Phủ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu của cả năm là 6,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của nhiều ngành, trong đó khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm 0,8%
Tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiên tai, nhân tai tiếp tục hoành hành làm cho giá trị của sản xuất nông nghiệp suy giảm, kéo theo đời sống của đại bộ phận nông dân, đặc biệt là nhân dân chịu sự tác động của thời tiết rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, biển ô nhiễm, thị trường nông sản bấp bênh, điệp khúc được mùa mất giá tiếp tục lặp lại và kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải "bỏ của chạy lấy người", bỏ rơi nông dân trong mối liên kết "4 nhà" với cảnh trắng tay và nợ nần.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết thêm: "Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước có 234.000 lượt hộ thiếu đói, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 971.000 lượt người thiếu đói, tăng 25% so với năm 2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều nơi chạy theo thành tích, huy động đóng góp quá sức của nông dân với nhiều khoản đóng góp phi lý như cảnh "sưu cao thuế nặng" không khác gì thời phong kiến. Thậm chí, tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 6/2016, số nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới không có khả năng thanh toán tại 52 tỉnh đã vượt qua con số 16.000 tỷ, làm cho nợ công quốc gia ngày càng khó kiểm soát".
“Nhiều chuyên gia kinh tế đang ví von sức nóng của các hiệp định thương mại thế hệ mới đang phả vào gáy chúng ta. Theo lộ trình, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn và quyết định phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại thế hệ mới khác. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mong chờ sự kiện đó, hy vọng một tương lai tương sáng cho nghiệp kinh doanh của mình thì nông dân, nông nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. Nhiều nông dân lo lắng cứ làm ăn như thế này thì giữ dược sinh kế, có miếng cơm manh áo còn khó chứ đừng nói sản phẩm nông nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới” – đại biểu Tiến Sinh nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu Tiến Sinh đề nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của nông nghiệp, đời sống nông dân bởi đó là sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, là cuộc sống của hàng chục triệu hộ nông dân.
N. Huyền
theo Infonet