Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư vào chăn nuôi
- Thứ hai - 29/08/2016 11:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Bộ NN&PTNT, tái cơ cấu vật nuôi xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi là lợn, gà, bò thịt, bò sữa.
Trên cơ sở điều kiện vùng miền và các đối tượng nuôi cụ thể, Bộ và các địa phương đã và đang chỉ đạo tái cơ cấu vùng chăn nuôi theo hướng: Chăn nuôi lợn chuyển từ các vùng có mật độ dân số cao như Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ sang vùng Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Năm 2015, thịt lợn sữa đông lạnh xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông sản lượng 39,4 ngàn tấn, đạt 103,5 triệu USD |
Chăn nuôi gà ổn định cơ cấu và quy mô tại vùng ĐBSH, Trung du MNPB, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng sang vùng Tây nguyên; chăn nuôi bò thịt phát triển ở các vùng Duyên hải miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc.
Còn chăn nuôi bò sữa ở các vùng truyền thống và có khả năng đầu tư công nghệ cao như Mộc châu, Ba Vì, Lâm Đồng, Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa…
Trong phương thức chăn nuôi, Bộ phối hợp với các địa phương chỉ đạo tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 9.377 trang trại năm 2013 lên 9.897 trang trại năm 2014, đạt 10.500 trang trại năm 2015.
Chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư như TH, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Hà, DABACO, Thái Dương, CP, …; cả nước có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận với quy mô hàng nghìn đến mấy trục triệu con/lứa. Quy trình trên sẽ được hướng dẫn triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Một số tỉnh đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, xác định các chuỗi ngành hàng lợi thế của địa phương; đã xuất hiện một số sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu mạnh: Năm 2015, thịt lợn sữa đông lạnh xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông (sản lượng 39,4 ngàn tấn, đạt 103,5 triệu USD); trứng vịt muối xuất sang Malaysia, Singapore, Trung Quốc (sản lượng 31,6 triệu quả, đạt 4,9 triệu USD); mật ong xuất sang Mỹ, Triều Tiên, Đài Loan (sản lượng 56,4 ngàn tấn, đạt 140 triệu USD)…
Qua 3 năm tái cơ cấu chăn nuôi, đã có sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng đàn giống vật nuôi, nhiều giống vật nuôi có năng suất cao được nhập khẩu từ các nước tiên tiến; có nhiều thay đổi đầu tư trong phát triển chăn nuôi từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước; chất lượng sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn. Sản xuất chăn nuôi tăng trưởng khá cao và chuyển đổi theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất tăng trung bình 4,1%/năm (năm 2013 tăng 3,4%, 2014 tăng 4,6%, năm 2015 tăng 4,3%; Quí I năm 2016 tăng 4,2%), đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu. Thị trường và giá cả các sản phẩm chăn nuôi ổn định, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi.
Theo Infonet