Nhìn từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi

Nhìn từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) gắn với chương trình xây dựng văn hoá con người Ba Chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới được Hội Nông dân huyện Ba Chẽ chú trọng triển khai sâu rộng. Qua đó, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu thành công, dần xoá bỏ những tư tưởng, tập quán lạc hậu của người dân địa phương...
Mô hình nuôi lợn của gia đình bà Ninh Thị Ngàn, thôn Khe Pụt Ngoài, xã Thanh Sơn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi lợn của gia đình bà Ninh Thị Ngàn, thôn Khe Pụt Ngoài, xã Thanh Sơn mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông Vương Quang Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 5-11-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ về “Xây dựng văn hoá con người Ba Chẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện trong tình hình mới”, Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền lồng ghép nâng cao nhận thức cho hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn xây dựng kế hoạch chương trình hành động, trong đó tập trung vào 4 mục tiêu chính: Tích cực sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập; đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống cộng đồng; vượt khó vươn lên xây dựng nông thôn mới và mô hình đẹp nhà, sạch ruộng vì cuộc sống văn minh. Đặc biệt, Hội đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua SXKDG gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân và đưa bộ mặt nông thôn của huyện thay đổi một cách toàn diện.

Thanh Sơn là một trong những xã nghèo của huyện, nơi có tới 98% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, do người dân còn tồn tại một số hủ tục cùng với tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước gây ra những rào cản lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc thoát nghèo của các hộ dân nơi đây khó hơn bao giờ hết. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nhờ sự vận động, tuyên truyền mạnh mẽ về xoá bỏ tư tưởng tập quán lạc hậu trong nhân dân đã làm bộ mặt nông thôn xã Thanh Sơn có sự chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng gia thi đua sản xuất, nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Nuôi lợn, bò, trồng ba kích, trà hoa vàng... Đặc biệt, tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước hay những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, sản xuất dần bị đẩy lùi ra khỏi suy nghĩ, cách làm của bà con nơi đây.

Bà Ninh Thị Ngàn, thôn Khe Pụt Ngoài, xã Thanh Sơn, một trong những hộ chăn nuôi lợn thịt cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, cho biết: Trước đây, do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả tự do làm đàn lợn gia đình bà hay bị lây bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2015, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50% con giống, gia đình bà đã mạnh dạn bỏ thêm hơn 30 triệu đồng mua gần 100 con lợn giống về chăn nuôi theo quy mô chuồng trại lớn. Nhờ biết cách chăm sóc và phòng bệnh cho đàn lợn nên lứa lợn đầu tiên của gia đình bà xuất bán thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng. “Nhờ xoá bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi lợn quy mô lớn nên gia đình tôi đã thoát nghèo thành công. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng đàn lợn. Dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường hơn 200 con lợn thịt và lợn giống” - Bà Ngàn nói.

Để thúc đẩy phong trào SXKDG, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện đã triển khai được các mô sản xuất tập trung như: Nuôi giun quế, trồng trà hoa vàng, chăn nuôi gà, lợn thương phẩm (xã Đạp Thanh); trồng mía tím, trồng rừng kết hợp, trà hoa vàng, lợn thương phẩm (xã Thanh Sơn); trồng cây tre mai, nuôi ong mật, nuôi gà đồi, ngan đen (xã Minh Cầm); trồng đu đủ, chăn nuôi lợn, nuôi ong mật (thị trấn Ba Chẽ); trồng cây thanh long, trồng cỏ làm thức ăn gia súc (xã Nam Sơn)... Những mô hình này đã giúp nhiều nông dân thay đổi được tư duy sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị hàng hoá. Qua đó, giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Không những thế, kinh tế ổn định còn là yếu tố thúc đẩy đời sống văn hoá tinh thần của bà con được cải thiện nâng cao rõ rệt.

Theo Báo Quảng Ninh